sinh năm 1949 và mất năm 2002, ông là người Hà Nội. Ông tốt nghiệp đại học Tổng Hợp Hà Nội, ngành Ngữ văn. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (1981). Ông còn có các bút danh khác là Ngọc Chung Tử, Đặng Thái Minh, ông chuyên viết về thể loại thơ, truyện thơ.

Năm 1970, Ông tốt nghiệp đại học và làm công tác văn hóc thông tin tại Hà Tây, sau đó ông chuyển về làm việc tại Tuần báo Văn Nghệ. Sau đó ông tích cực tham gia lớp viết văn ngắn hạn của Hội nhà văn Việt Nam và lớp cao cấp rút gọn của học viện văn học Gorki.

Sự nghiệp sáng tác thơ của Bế Kiến Quốc

Những tập thơ nổi tiếng của Bế Kiến Quốc gồm:

  • Những dòng sông (1969)
  • Cuối rễ đầu cành (1994)
  • Chú ngựa mã sao (1979)
  • Dòng suối thần kỳ (1984)
  • Trở lại nguồn

Giải thưởng

Là một cây bút tài năng của nền văn học việt nam hiện đại, nhà thơ Bế Kiến Quốc đã dành được nhiều giải thưởng về văn học.

  • Giải nhì cuộc thi thơ của tuần báo Văn nghệ năm 1969 (bài thơ Những dòng sông).
  • Giải thưởng cuộc vận động viết về thương binh liệt sĩ, 1973.
  • Giải thưởng cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi năm 1979 và 1985.
  • Giải thưởng cuộc thi viết về tài trí Việt Nam, năm 1995 – 1996 của tạp chí Thế giới mới,
  • Giải thưởng cuộc thi ký của báo Sài gòn Giải phóng, năm 1985, và cuộc thi ký của Đài Tiếng nói Việt Nam, 1986.

Bài hát trồng cây

Ai trồng cây Người đó có tiếng hát Trên vòm cây Chim hót lời mê say

Ai trồng cây Người đó có ngọn gió Rung cành cây Hoa lá đùa lay lay

Ai trồng cây Người đó có bóng mát Trong vòm cây Quên nắng xa đường dài

Ai trồng cây Người đó có hạnh phúc Mong chờ cây Mau lớn theo từng ngày

Ai trồng cây… Em trồng cây… Em trồng cây…

Bên bờ kinh

Trôi qua cả một dòng kinh Một chiều hai đứa chúng mình bên nhau.

Có gì, nào có gì đâu Mà chùm sao trên mái đầu lung liêng

Chiếc xuồng ai buộc chung chiêng Sóng xô bên ấy lại nghiêng bên này…

Riết rồi đến lúc chia tay Lấy đâu thương nhớ lấp đầy xa xôi?

Lời em đã nói chi rồi Sớm nay sao lục bình trôi quá nhiều…

Long Hưng, ngày 5-7-1984

Bóc lịch

Em cầm tờ lịch cũ – Ngày hôm qua đâu rồi? Ra ngoài sân hỏi bố Xoa đầu em bố cười:

– Ngày hôm qua ở lại Trên cành hoa trong vườn Nụ hồng lớn thêm mãi Đợi đến ngày toả hương

– Ngày hôm qua ở lại Trong hạt lúa mẹ trồng Cánh đồng chờ gặt hái Chín vàng màu ước mong

– Ngày hôm qua ở lại Trong vở hồng của con Con học hành chăm chỉ Là ngày qua vẫn còn…

Bài Nhiều Lượt Xem  Chọn lọc 50+ lời chúc công việc suôn sẻ và tốt đẹp gửi tặng bạn bè và đồng nghiệp

Chiếc vòng đá nhỏ

Chiếc vòng đá nhỏ cổ tay ai Chẳng biết đầu tiên ai đẽo mài Rồi ai mua tặng, ai âu yếm Trao vòng đá nhỏ cổ tay ai…

Xui khiến chiều nay anh lặng im Giấu điều muốn nói tận trong tim Gặp gỡ muộn màng thương biếc biếc Chiếc vòng đá nhỏ cổ tay em.

Long Hưng, ngày 4-7-1984

Coi tướng tay

Coi dăm ba bàn tay Nói tầm bậy tầm bạ… Mà em mắc lừa ngay – Nè coi tay em thử!

Chao! Bàn tay xinh quá! Những ngón nhỏ thanh dài… “Thầy” giả vờ ngẫm nghĩ Cốt được cầm ngắm hoài…

Anh là thầy tướng vụng Tìm khắp bàn tay xinh Mãi không ra biểu tượng Nói rằng em thương anh…

Bình Thành, ngày 5-7-1984

Gorky

Từ đắng cay sừng sững Gorky Giữa đắng cay tin có ngày hạnh phúc Vượt qua đắng cay như vượt qua nhà ngục Người lên đường ca hát những niềm vui

Đang đến rồi thời ấy Gorky ơi Sống tốt hơn với sướng hơn là một Con người đã vững vàng mà đọc Đốt Nước Nga cười trong ánh mắt Lê Nin

Ở một thời đang dễ mất lòng tin Người hiện lên giữa bụi cây rực đỏ Người báo trước: nơi cuộc đời rạng rỡ Sẽ là phần đất hứa của hồn ta

Không có ai giẫm lên trái tim Người. Năm tháng trôi qua Trái tim ấy nhiều Đancô vẫn giữ Người không chỉ là sức mạnh lòng tin của những đắng cay gian khổ Phía Niềm vui sừng sững Gorky

Không đề 1

Có trăm ngàn lý do nhủ rằng đừng quá bước Nghĩ cho cùng… Thôi, nghĩ ngợi làm chi Lời hãy tránh gặp lời, mắt tránh tìm ánh mắt Hãy giấu mọi vui buồn cho đến lúc ra đi…

Bình Thành ngày 7-7-1984

Không đề 3

Nước kênh chảy dưới chân cầu Cả ngàn năm lận có đâu trở về Tháng ngày giây phút qua đi Qua là hết chẳng còn gì nữa đâu!…

Một lần được ở bên nhau Là duyên hội ngộ từ lâu kiếp nào… Anh xin đất thấp trời cao Cho nước đừng chảy mãi vào thời gian. Cho em cứ đẹp rỡ ràng Cho anh cứ được ngỡ ngàng ngắm em

Cho sao đứng lại trời đêm Cho lời ở mãi trái tim suốt đời…

Định Yên, 10-7-1984

Không đề 4

Đã bắt đầu nếm náp vị chia xa Hai chữ biệt ly ngó chỗ nào cũng gặp. Em ngồi đó – anh gắng dời ánh mắt Anh tập nhìn không-gian-không-có-em…

Phải làm quen với ban ngày ban đêm Với thời-gian-không-em sắp trải dài vợi vợi… Lòng choáng rợn nữa rồi sao chịu nổi! Nỗi buồn lên. Trăng lặn. Hết đêm rồi.

Chân đã dợm bước vào ranh giới của xa xôi Và ký ức vội cuống cuồng thâu nhận Hình với tiếng… để biến thành kỷ niệm Đang ở gần đã nhớ lúc gần nhau…

Bài Nhiều Lượt Xem  Tập Thơ Nhặt Lời Cho Bóng Lá (Phần I) Độc Đáo Của Bùi Kim Anh

Đang ở gần đã nói “một ngày sau…” Ba tiếng “một ngày sau…” nhói đau mà chẳng biết… Như đang nghe đoạn cuối cùng khúc hát Vừa khẽ ngân vừa lặng tắt xa dần…

Không đề 5

Cây một vòm xanh trên mái đầu Trăng một vầng cao, đêm một sâu Và mắt một đôi thăm thẳm ngó Buổi tối cuối cùng được thấy nhau…

Rồi một mình anh trở lại đây Cũng đến ngồi y một chỗ này Buồn một nỗi buồn không thể vợi Với một vầng trăng một bóng cây…

Sa-Đéc, 11-7-1984

Lý qua cầu

Bằng lòng đi em… Nhưng má anh đã mất Mịt mù xa Nam – Bắc khó đưa dâu.

Bằng lòng đi em… Nữa mai rồi cách mặt Chuyên tâm tình muốn nói dễ chi đâu.

Bằng lòng đi em… Dẫu chỉ nhờ câu hát Có chiếc xuồng ba lá của riêng nhau.

Bằng lòng đi em… Mỗi khi buồn muốn khóc Một mình anh ca điệu lý qua cầu…

Mãi mãi ngày đầu tiên

Cần những nhành hoa mới Nở cho anh và em Cần những tuần trăng mới Đưa ta vào trời đêm… Tình yêu không dừng lại Không sa vào thói quen Tình yêu luôn luôn mới Như những ngày đầu tiên

Cần có những hờn dỗi Để nhớ và để quên Cần có những gặng hỏi Để nghi ngờ hờn ghen! Cần những bài ca mới Để hát về niềm tin, Cần những chiều ngóng đợi Cả con đường chờ em…

Tình yêu không dừng lại Không sa vào thói quen Ngày qua rồi ngày tới Tốt thêm và đẹp thêm Tình yêu luôn luôn mới Mãi mãi ngày đầu tiên…

Mô phỏng ca dao

Đặt vào mỗi bước chân ai Một bông hoa nhỏ một bài thơ xinh

Tay ai khẻ chạm tim mình Là ngân lên những âm thanh dịu dàng.

Ai ơi ai có biết rằng Ai thương ai cũng chẳng bằng ta thương

Bình Thành, ngày 6-7-1984

Nghe chèo, đêm xa quê

Đừng hát nữa, anh xao xuyến quá Điệu cười kia cùng ánh mắt kia Biểu đi xiến mỗi chèo mới có Giọng sử rầu ruột cả canh khuya

Ngỡ quên mất tình ngang trái cũ Chèo là chi, tiếng gọi quê nhà Ngõ khuất mất riêng tư quá khứ Bỗng nghẹn mình nghe chèo đêm xa

Một vùng đất vượt qua lũ quật Gió lửa về bỏng táp vòm cây Rừng trụi đốt khói xông ngột ngạt Đâu ngờ chèo đọng ngọt nơi đây

Gặp một thoáng Thị Mầu ghẹo tiểu Thị Kính than oan ức góc chùa Mẹ Đốp rao hóm từng nhịp gõ Đàn bầu rung non nỉ đẩy đưa

Ai mải miết rắc dâu mặt vải Ai nọng tằm ủ kén tay em Kìa sóng sánh con thuyền mắt đợi Con thuyền kia bến nước còn quen?

Bài Nhiều Lượt Xem  Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm và phần Bản quốc ngữ Hoàng Xuân (Sấm ký)

Tình ngõ cũ chèo không biết cũ Em gái chèo ơi bay dạt đâu Làn điệu nói lời chưa đủ Này vu quy này sắp qua cầu…

Đừng hát nữa, lòng nao nuyến quá Giã hẹn rồi đêm chèo trôi nhanh Em dõi sáng Châu Long mấy thuở Em mãi đằm Vân Dại đời anh…

Tiếng dòng sông

Một buổi trưa, dưới bóng cây râm mát Gần văn phòng đoàn khảo sát sông Đà Tôi nhìn thấy mấy công nhân người Việt Đang dạy tiếng Việt Nam cho một bạn chuyên gia – “Sông Đà” – “Sôn Đa”… – “Sông Đà” – “Sôn Đa”… “Sôn Đa”, “Sôn Đa”… nghe gần như Vôn-ga Âm thanh ấy mát lành như tiếng nước Sông quê anh sông nào bên đất Nga?

Đến quê đây, ăn cái nước sông Đà Nếm chùm nhãn đất phù sa nuôi ngọt Chịu sức nắng trưa mùa hè thiêu đốt Đêm chập chờn nhớ một dòng sông xa…

Có bao nhiêu dòng sông anh đã qua Người chuyên gia một đời làm khảo sát Ở bao lán công trường, uống nước bao nguồn nước Trong giọng Nga pha giọng nói bao miền…

“Sôn Đa” “Vôn-ga” – Hai cái tên thân quen Rồi có lúc nói mơ anh gọi lẫn Hạnh phúc lớn là làm ra ánh sáng Dẫu quê nào: Sông Việt với Sông Nga.

Anh tập nói: “Sôn Đa”. Tôi thầm nhắc: “Sông Đà” Lắng nghe trong giọng mình một tình yêu mới mẻ Như thể lần đầu tiên gọi tên sông là thế Tên ngọt ngào nghe sao lòng ngân nga…

Sông quê anh sông nào bên đất Nga? Tên dẫu khác, mọi dòng sông đều đẹp. Ăn cái nước sông Đà sẽ thấm dần giọng Việt Một hôm nao sẽ gọi rõ: “Sông Đà!” Tiếng dòng sông trong giọng một người Nga…

Hà Sơn Bình, 2-7-1976

Tự nguyện

Với xứ quê em – sống hết mình Yêu em – yêu trọn cả lòng anh

Anh chậm mùa sen đến Tháp Mười Dòng kinh đầy nước, lục bình trôi Rặng tràm buông trắng chùm hoa mới Chiếc xuồng ba lá dập dềnh bơi…

Nhịp sống bao đời nay vẫn vậy Mà anh thì gấp, bởi từ lâu Đã mong tới gặp dòng sông ấy Sông của niềm vui, của nỗi đau…

Chen chúc xe đò, anh cũng chen Xe lam ba bánh đường gập ghềnh Có khi tắc ráng luồn kinh rạch Anh muốn đi sao được khắp miền.

Hoà tiếng cười vang nghiêng mặt sóng Xuồng cắt lúa đụng xuồng rước dâu… Để rơi nước mắt trong im lặng Nghe kể Long Hưng một thuở nào…

Thao thức canh khuya nhhững khóm bần Mái dầm đâu khẽ dưới vầng trăng Đèn ai trong lá xanh không ngủ Có nỗi niềm chi chưa nói năng…

Cao Bắc phà sang sông lộng gió Tiền Giang dào dạt nắng đôi bờ Phù sa dư dật nuôi đồng lúa Nuôi những anh hùng dám ước mơ.

Cảm nhận đầy tràn mọi giác quan Lòng anh mê mải với miền Nam Những loài cây mới, tên hoa mới Giọng nói quê hương quá dịu dàng.

Những khúc dân ca tình láy luyến Ướt mềm câu hát, ý sâu xa Mù u xin hãy vì anh chín Điệu lý qua cầu anh được qua.

Cách mạng bao nhiêu chuyện nhiệm mầu Nhân dân – ấm nóng nắng trời cao Má ơi, xin được làm con má Giữ vẹn lòng ta có trước sau…

Mối tình thứ nhất cùng Nam Bộ Yêu hết mình luôn, sống hết mình Bông sen đang hẹn mùa sen nở Ôi xứ quê này – xứ của anh!…

Sa Đéc, 18-7. Sài Gòn 19-7-1984

Nhà thơ Bế Kiến Quốc được mệnh danh là một nhà thơ “đa tài – đa tình”. Các tập thơ của Bế Kiến Quốc là những rung động của ông về thiên nhiên, về đất nước, về số phận, cuộc đời… đã khiến cho thơ anh có đẳng cấp trong làng thơ Việt. Thơ Bế Kiến Quốc được độc giả vô cùng yêu thích hiện nay.