là một tập thơ vang danh của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh. Thơ Xuân Quỳnh giàu tình cảm, tình cảm sâu và tinh tế nhưng lẩn khuất phía sau tình cảm ấy lại là tư tưởng có tính khái quát, triết lýVới ngòi bút tài hoa cùng lòng nhiệt huyết mà bà sở hữu một kho tàng thơ nổi bật. Trong đó có tập thơ Bầu trời trong quả trứng được nhà xuất bản Kim Đồng in ấn tái bản nhiều lầnNào! Chúng ta cùng nhau cảm nhận tập thơ hay này nhé!

Cô Gió mất tên

Người ta gọi cô là Gió. Việc của cô là đi lang thang khắp đó đây, lúc chạy nhanh, lúc chạy chậm tuỳ theo thời tiết. Trên mặt sông, mặt biển, cô giúp cho những chiếc thuyền đi nhanh hơn. Cô giúp các loài hoa thụ phấn để kết quả. Cô đưa mây về làm mưa trên các miền đất khô cạn. Vì tính cô hay giúp người nên ai cũng yêu cô. Cô không có hình dáng, màu sắc nhưng cô vừa đến đâu ai cũng biết ngay: Cô Gió kìa! Cô Gió kìa!… Cô Gió ơi! – Các bạn hoa tầm xuân đua nhau gọi – Cô đi đâu mà vội thế? Ở đây chơi với chúng em một chút nào! Lát nữa nhé! – Cô Gió vừa vội vã bay đi vừa trả lời – Tôi còn vội đi giúp cho bạn Đào bên kia một chút. Bà bạn ấy ốm, bạn ấy quạt cho bà mỏi tay lắm rồi… Tiếng cô Gió thoảng qua rồi biến mất. Bố, mẹ Đào đều đì công tác vắng. Chì còn hai bà cháu ở nhà. Trời nóng hầm hập. Bà ốm, nằm trên một cái giường tre. Bà không ăn được gì. Thỉnh thoảng bà lại lên cơn ho. Trán bà vã mồ hôi. Bà luôn kêu: “Khát quá! Khát quá! Đào ơi, con cho bà ngụm nước”. Đào lấy nước xong lại cầm cái quạt giấy quạt cho bà. Thấy Đào cứ luôn tay quạt, bà nắm lấy tay Đào và bảo: Thôi, con đi nghỉ đi, bà không nóng lắm đâu. Cháu không mỏi tay đâu, bà cứ để cháu quạt. Cửa mở nhưng chẳng có chút gió nào. Đào biết là bà vẫn cứ nóng vì thấy trán và lưng áo của bà đang đẫm mồ hôi. Đào mải thương bà, nghĩ đến bà, em đâu có để ý là lưng áo em cũng đẫm mồ hôi. Từ ở xa cô Gió đã nghe tiếng và biết hết mọi việc. Cô vội vàng chạy đến để giúp bà một tay. Đến cửa sổ nhà Đào, cô dừng lại một giây rồi từ từ thổi hơi mát vào giường bà. Vì đối với người ốm mà làm mạnh quá thì nguy hiểm. Hai bà cháu chợt nhận ra cô Gió, bà tươi tỉnh hẳn lên: Đào ơi, có gió rồi, con nghỉ tay đi. Ôi, cô Gió thật là tốt quá! Bà cứ tỉnh cả người. Đào nghỉ tay quạt và nhìn thấy mồ hôi trên trán bà dần dần biến đi đâu mất. Bà có vẻ khoẻ ra, bà bảo: Bà thấy hơi đói, chiều nay con nấu cháo cho bà ăn nhé! Vâng! – Đào vừa nói vừa thầm biết ơn cô Gió. Cô Gió thổi quanh quẩn ở nhà Đào cho tói khi bà Đào khỏi ốm, cô Gió mới ra đi. Trước khi đi, cô còn lưu luyến quanh Đào: Chào bạn Đào, chào bạn Đào, tôi đi đây. Khi nào bạn cần, bạn cứ gọi tôi, tôi sẽ đến giúp bạn ngay… Đào chưa kịp chào và cám ơn cô thì cô đã đi xa rồi. * Cô Gió thấy lòng nhẹ nhàng vui vẻ. Cô vừa đi vừa hát: Tên tôi là Gió Đi khắp mọi nơi Công việc của tôi Không bao giờ nghỉ Tháng ngày chăm chỉ Tôi dài hơn sông Suốt đời mênh mông Rộng hơn biển cả Tên tôi là Gió Các bạn nhớ không? Tôi không dáng hình Tên tôi là Gió… Gớm, cô Gió, việc gì phải xưng tên nhiều thế! – Các bạn ngô trên bãi xào xạc kêu lên. – Ai mà chả biết cô, mỗi lần cô đến là tất cả họ hàng nhà ngô chúng em xôn xao cả lên… Ngay cả chúng tôi đây cũng vậy. – Các bạn lau sậy bên bờ sông lên tiếng – Cứ cô đến là chúng tôi mới hát, không có cô chúng tôi buồn lắm đấy. Nhưng mà có bao giờ giữ được cô lâu đâu. Chỗ nào cũng cần đến cô nên cô cứ đi luôn. Vàng, bác nói đúng. Bây giờ tôi đang phải đưa chú ong nhỏ về nhà. Tôi vừa gặp chú ở dọc đường, chú lạc đàn, cứ bay vơ vẩn mà khóc mãi. Nói rồi cô Gió lại cùng chú ong vàng nhỏ bay đi. Trên đường đi, cô chui qua một ngôi nhà. Ngôi nhà đóng kín các cửa kính vì lúc bấy giờ còn rét. Trong nhà đèn sáng choang, có tiếng đàn tiếng hát văng vang vọng ra. Cô Gió nhẹ nhàng khẽ lách qua khe cửa kính. Mọi người trong nhà đang ngồi quây quẩn bên mâm cơm, không ai biết cô Gió vừa vào. Chính cô cũng không muốn cho ai biết là cô có mặt ở đấy. Cô đi tha thẩn mọi nơi trong gian phòng. Lòng hơi buồn vì chẳng ai nhìn thấy mình. “Nếu mình có hình dáng cụ thể như cái ấm, cái lọ hoa hoặc như ngọn lửa trên bếp kia có phải thích không”. Cô theo tiếng nhạc, chui vào đài truyền thanh xem xét. Cô thấy nhiều dây dợ và nút bấm lằng nhằng. Tiếng đàn, tiếng hát vẫn tự nhiên vang lên mà không cần cô truyền đi xa. Cô bỏ đài truyền thanh đi ra rồi chui vào một cái hũ ở góc nhà. Cái hũ tối mò mò, mùi hôi bốc lên nồng nặc. Cô không thể nào chịu nổi phải kêu lên: Trời ơi! Tối quá, tối quá! Cho tôi ra với. Chị Hũ nghe tiếng kêu liền hỏi: Ai đấy mà tôi không trông thấy dáng hình gì cả? Sao bỗng dưng lại vào được trong này? Hũ tôi đã nút rồi cơ mà! Đã gọi là hũ nút mà lại chả tối! Tôi đây, tôi đây. Chị không thể trông thấy tôi được đâu. Vì tôi không có hình dáng. Tôi chỉ có tên thôi. Tên tôi là Gió. Chị cho tôi ra với! Gió là ai? Tôi chưa nghe tên bao giờ. Còn… cô vào đằng nào thì ra đằng ấy chứ khó gì đâu. Tôi vào chỗ khe nứt của chị. Khe rất nhỏ. Bây giờ ở trong này tối quá không biết đằng nào mà ra. Thế công việc của cô là gì mà cô lại đi mò mẫm vào đây? Việc của tôi ấy à, nhiều lắm, để tôi kể cho chị nghe… Thôi, tôi chả cần nghe dài dòng đâu. Tôi chỉ cần trông thấy một việc cô làm là tôi có thể gọi ra tên cô được. Ví như tôi, tôi chuyên môn đựng đỗ, đựng lạc… cho nên người ta gọi tôi là chị Hũ. A, chị Hũ nói đúng quá! Việc của tôi là giúp cho cây cỏ và hoa kết trái, giúp cho mọi người đi lại dễ dàng hơn trên sông biển. Giúp cho con người nghe rõ được tiếng nói của nhau hơn… Này, cô Gió ơi, thế thì chính tên cô ở đấy. Hẳn khi vào đây cô đã để quên tên cô ở những nơi đó rồi. Cô hãy ra những nơi ấy mà tìm lại cái tên của cô đi, nhanh lên kẻo mất! Nói rồi chị Hũ đẩy cái nút cho rộng ra một chút để cô Gió có thể theo phía ánh sáng mà đi ra. Cô Gió ra khỏi Hũ, lòng buồn phiền quanh quẩn suy nghĩ: Có nhẽ chị Hũ nói đúng, mình đã bỏ quên mất tên thật rồi! Cho nên suốt từ lúc mình vào nhà mà có ai gọi đến tên mình đâu. Mình đã chui vào từ cái ấm tích đến hộp xà phòng thơm mà không thấy ai nhắc đến tên mình. Bây giờ không biết cái tên mình nó ở nơi nào. Trời đất mênh mông thế kia, biết tìm bao giờ cho thấy! Nghĩ rồi cô Gió oà lên khóc. Cô khóc rất nhiều. Nhưng nước mắt của cô cũng như cô, không có dáng hình màu sắc. Cho nên không một ai biết đến để an ủi, dỗ dành cho cô khuây khoả. Chợt cô nghĩ đến chú ong lạc đường mà cô đã bỏ quên ở ngoài cửa, khi cô vào trong nhà. Hoạ chăng chú ong này còn nhớ đến cô. Cô len qua cửa kính ra ngoài tìm chú ong nhỏ. Nhưng chú ong có còn ở đấy nữa đâu! Cô Gió hốt hoảng bay đi. Cô mang hy vọng tìm thấy cái tên mình ở một nơi nào đó. Càng ngày cô càng bay nhanh hơn. Bỗng cô thấy trước cô là mặt biển mênh mông. Những con thuyền chen chúc nhau gối đầu lên bãi cát. Những tiếng nói xôn xao truyền đi: A, gió về rồi! Hôm nay có gió rồi! Nhổ neo đi, các bạn ơi, có gió rồi! Gió thổi các ngọn khói bay trên tầng ống khói nhà máy. Gió toả hơi mát của dòng suối ra khắp bờ cây. Gió đưa mùi thơm của hoa vườn tràn ra đồng cỏ. Bà mẹ ra hiên gọi con về ăn cơm, gió đưa tiếng gọi vang ra xa ngoài cánh đồng, đến tận tai em bé ngồi trên lưng trâu. Gió thổi bay phấp phới hai dải mũ bác thuỷ thủ, gió ngừng một chút để bác thuỷ thủ châm lửa vào điếu thuốc, rồi lại lồng lộn thổi tiếp. Bác thuỷ thủ kéo lá cờ lên đỉnh cột buồm, gió thổi lá cờ phần phật. Khắp mặt biển vang lên tiếng còi, tiếng chuông, tiếng xích nhổ neo, tiếng reo hò. Gió rộng lớn thổi khắp bầu trời mặt đất, nhưng vẫn không quên quay tít cái chong chóng nhỏ sặc sỡ trên tay em bé. Em bé vừa chạy vừa reo lên: “Gió! Gió! Gió mát quá!” “A, tên mình đây rồi! – Cô Gió thầm nghĩ – Mình đã tìm thấy tên rồi!” Cô Gió cất tiếng chào ngọn khói, những bông hoa, những lá cờ, chào những cái chong chóng đang quay và chào những cánh buồm đang căng mở trên sóng lớn, những con thuyên lướt nhanh trên mặt biển. Cô lại cất tiếng hát: Tôi là ngọn gió Ở khắp mọi nơi Công việc của tôi Không bao giờ nghỉ… Cô không có dáng hình, nhưng điều đó chẳng sao, hình dáng của cô là ở người khác, ở sự có ích cho người khác, ở niềm vui của người khác. Dù không trông thấy cô, người ta nhận ra cô ngay và gọi tên cô: Gió!

Cá chuối con

Bơi càng gần lên mặt ao, thấy nước càng nóng, cá chuối mẹ bơi mãi, cố tìm hướng vào bờ. Mặt ao sủi bọt, nổi lên từng đám rêu. Rất khó nhận ra phương hướng. Chuối mẹ phải vừa bơi vừa nghếch lên mặt nước để tìm hướng khóm tre. Trời bức bối, ngột ngạt. Lắm lúc chuối mẹ chỉ muốn lặn ngay xuống đáy cho mát, nhưng nghĩ đến đàn con đang đói, chờ ở vùng nước đằng kia, chuối mẹ lại cố bơi. Khóm tre bên bờ đã gần đây rồi. Khi tới thật gần, chuối mẹ chỉ còn trông thấy gốc tre, không thấy ngọn tre đâu. Chuối mẹ bơi sát mép nước, rồi rạch lên chân khóm tre. Tìm một chỗ chuối mẹ đoán chắc là có tổ kiến gần đó. Chuối mẹ giả vờ chết, nằm im không động đậy. Trời nóng hầm hập. Hơi nước, hơi lá ải cùng với mùi tanh trên mình chuối mẹ bốc ra làm cho bọn kiến lửa gần đó thèm thuồng. Bọn chúng rủ nhau đi kiếm mồi. Vừa bò loằng ngoằng vừa dò dẫm về phía có mùi cá. Đầu tiên cá chuối mẹ cảm thấy buồn buồn ở khắp mình, sau rồi đau nhói trên da thịt. Biết kiến kéo đến đã đông, chuối mẹ liền lấy đà quẫy mạnh, rồi nhảy tùm xuống nước. Bọn kiến không kịp chạy, nổi lềnh bềnh trên mặt ao. Đàn chuối con ùa lại tranh nhau đớp tới tấp. Thế là đàn chuối con được một mẻ no nê. Chuối mẹ bơi quanh nhìn đàn con đớp mồi, vui quá quên cả đau. Đàn chuối ăn xong lại thong thả bơi dạo quanh. Không con nào để ý thấy thiếu mất chú chuối út. Đang bơi, chuối mẹ nghe tiếng chuối út đuổi theo gọi: Mẹ ơi, con đói quá. Thế từ nãy giờ con ở đâu mà không ăn? – Chuối mẹ hỏi. Con… con đi chơi với các chị nòng nọc. Vậy mà mẹ ngỡ con với các anh các chị ăn no cả rồi! Vâng, chúng con ăn hết cả rồi! – Cả bọn chuối con đồng thành đáp. Thế mà mẹ chả phần con, mẹ chả phần con! Chuối út vừa nói vừa khóc thút thít. Trước khi đi kiếm mồi, mẹ đã dặn là “tất cả phải chờ mẹ ở chỗ kia” cơ mà! Mẹ biết đâu con lại bỏ đi chơi. Thế là không ngoan đâu nhé. Bây giờ con ở đây với các anh các chị, mẹ lên bờ kiếm thức ăn cho. Nói rồi chuối mẹ lại bơi về phía bờ. Rạch lên rìa nước, nằm chờ đợi. Chờ mãi, chờ mãi, chẳng thấy lũ kiến đâu. Bỗng nhiên nghe như có tiếng bước rất nhẹ. Chuối mẹ nhìn ra, trước tiên là thấy hai con mắt xanh lè của mụ mèo đang lại gần. “Nguy hiểm rồi!”. Chuối mẹ tự nhủ và lấy hết sức định nhảy xuống nước. Nhưng mèo đã nhanh hơn, lao phập tới cắn vào cổ chuối mẹ… Ở dưới nước, đàn chuối con chờ mãi không thấy mẹ. Càng chờ, các anh các chị chuối càng bực tức với chuối út đã làm khổ mẹ. Chuối út bơi tách đàn ra và oà lên khóc. Thật ra thì út không hẳn khóc vì bị mắng mà út khóc vì lỗi của mình. “Mẹ ơi, bây giờ mẹ ở đâu?”. Út không cảm thấy đói nữa rồi. Chỉ cần mẹ về đây với út thôi. Càng chờ càng bằn bặt. Đàn chuối con không biết làm thế nào, cứ bơi ngược bơi xuôi. Đang lúc chúng bàn nhau định cử một chị chuối lên bờ tìm mẹ, thì nghe ùm một tiếng. Mẹ đã về. Không có một chú kiến nào nổi lên mặt nước, nhưng đàn chuối con cũng không để ý đến điều đó. Chúng xúm lại quanh mẹ và hỏi: Mẹ ơi, sao mẹ đi lâu thế? Kìa, mẹ làm sao kìa! Sao mẹ lại có máu ở cổ?… Chúng hỏi dồn dập, vừa hỏi vừa khóc. Chuối mẹ âu yếm bơi quanh đàn con và kể cho con nghe chuyện vừa xảy ra với mụ mèo. … Mẹ vật lộn với nó mãi. Đã tưởng không còn về đây với các con được. – Chuối mẹ nói rồi ứa nước mắt, không kể tiếp được nữa. Chỉ tại thằng út. Chỉ tại thằng út… Bọn chuối con nhao nhao kết tội chuối út. Chuối út biết mình có lỗi nhưng vẫn gân cổ lên cãi: Tại em ư? Lần này thì đúng là tại em. Nhưng các lần khác mẹ vẫn phải đi kiếm mồi cho chúng ta kia mà! Lỡ những lần ấy mẹ gặp mụ mèo thì có phải tại cả các anh các chị nữa không? Thấy chuối út nói cũng có lí, bọn chuối con im lặng một lát rồi kéo nhau ra bàn bạc. Chuối út xin nói trước: Bây giờ chúng ta cũng đã hơi lớn rồi, chúng ta đừng làm khổ mẹ nữa. Chúng ta sẽ cùng nhau bơi quanh ao tự kiếm mồi. Các anh chị thấy thế nào? Đồng ý! Đồng ý đấy! Các con đang bàn gì mà vui vẻ vậy? – Chuối mẹ bơi lại hỏi. Chúng con đang bàn nhau tự đi kiếm ăn. – Chuối út thưa. – Chúng con không làm phiền mẹ nữa. Bây giờ mẹ đau, mẹ về hang nghỉ đi. Trời ơi, các con tôi ngoan quá! Nhưng mà này các con, nếu con nào chưa tự kiếm ăn được, hoặc lúc nào khó kiếm ăn, các con cứ về với mẹ nhá!

Lời ru của trăng

Các bạn nhỏ của trăng ơi, trong một ngày các bạn làm bao nhiêu việc, nào đi học mẫu giáo, khi về nhà còn phải xâu kim giúp bà, nhặt rau giúp mẹ… Trăng thì không nhiều việc như các bạn. Trăng chưa bao giờ phải rửa mặt đánh răng, vì trăng chẳng ăn gì, và không hề nghịch bẩn. Trăng chỉ có một việc, là chiếu sáng cho các bạn thôi. Tuy vậy, các bạn đừng tưởng trăng nhàn rỗi lắm đâu. Vì thực sự đâu phải chỉ chiếu sáng. Trong lúc chiếu sáng, còn biết bao nhiêu việc phải làm. Này nhé. Đêm khuya khi các bạn ngủ rồi, trăng len qua các song cửa sổ, trăng đem về cho các bạn bao điều thích thú khi các bạn nằm mơ. Nói thật đấy. Chẳng tin, các bạn thử nhắm mắt lại xem. Các bạn thấy chưa “Những khu rừng trải ra vô tận dưới ánh trăng. Những cành lá đung đưa, các chú thỏ nắm tay nhau nhảy múa. Dưới trăng, sông hát lên niềm vui của mình. Những sợi rong xanh biếc chập chờn. Những con cá không muốn ngủ, cứ bơi lượn lấp lánh suốt đêm…” Này các bạn, có nhiều bạn cũng giống như những con cá, ham chơi quá, không muốn ngủ. Thật ra, khi ngủ có phải thời gian mất đi đâu. Ngủ, đó là đi tới một cuộc sống thần tiên khác. Trong lúc ngủ, người ta mơ thấy những điều khi thức không thấy được. Chẳng hạn: Bạn có thể thấy mình lái con tàu vũ trụ bay vút lên không trung, mặc dù chưa bao giờ bạn lái một chiếc máy bay nào cả. Bạn có thể gặp bố bạn mãi tận ở một mặt trận xa xôi. Bố bạn khoác vải dù, áo ướt hơi sương, lá nguỵ trang trên mũ xào xạc ánh trăng. Những bạn mồ côi còn có thể gặp được cả cha mẹ mình, mặc dù cha mẹ bạn đó không còn nữa. Nếu như không có giấc ngủ, các bạn sẽ thiệt thòi biết nhường nào. Hãy ngủ đi, hãy ngủ đi các bạn! Tối hôm qua, trước khi ngủ, Thơ nghe thấy cô trăng thì thầm với Thơ như thế, rồi Thơ thiếp đi và mơ một giấc mơ kỳ lạ. Thơ mơ thấy cô trăng từ trên cao bỗng rơi xuống bể nước nhà Thơ. Thơ thấy vớt cô lên, cô bị ướt lướt thướt, rét run cầm cập. Thơ đưa cô trăng vào bếp, đốt củi sưởi cho cô, rồi rủ cô ở lại với Thơ, sáng cho riêng Thơ thôi. Cô trăng không nghe, cứ khóc thút thít, đòi về lại bầu trời của cô. Thơ đặt cô lên võng, hát ru cô, cô cũng không chịu ngủ. Thơ mang bao nhiêu đồ chơi cho cô chơi, cô cũng chẳng buồn chơi. Cô bảo nhà cô là bầu trời kia, ở đó cô còn phải chiếu sáng cho bao nhiêu bạn nhỏ. Bây giờ vắng cô, cả bầu trời và mặt đất đều tối đen. Các bạn nhỏ chắc buồn lắm. Cô còn phải ru cho các bạn nhỏ ngủ, nhất là bạn nào bị ốm, và mang về cho các bạn bao giấc mơ thật đẹp nữa kia… Thơ chợt tỉnh giấc. Cô trăng đã đi rồi! Thơ nhìn ra sân: ánh trăng vằng vặc. Cô trăng đang tròn sáng giữa bầu trời. Cô đang cười với Thơ kia. Chắc cô nhớ đến chuyện cô vừa giả vờ ngã xuống bể nước để đem lại cho Thơ một giấc mơ kỳ lạ. Thơ nghĩ vậy, rồi lại thiu thiu ngủ trong lời ru hiền dịu của trăng.

Hạt Đỗ Sót

Người ta đã đem gieo tất cả các hạt đỗ đen trên luống đất sau nhà. Riêng một hạt đỗ mắc mấy mạng nhện không ra được, nằm sót lại ở đáy hũ, nên gọi tên là Đỗ Sót. Khi bị sót lại, Đỗ Sót cũng đã kêu lên, nhưng người nghe không hiểu tiếng của đỗ nên không biết trong hũ còn một hạt đỗ sót lại. Đỗ Sót rất buồn. Sống ở trong hũ vừa tối vừa vắng vẻ. Một lần, có bạn ong bay qua lại miệng hũ. Đỗ Sót gọi ong lại và hỏi thăm: Chị Ong ơi, các bạn đỗ của tôi bây giờ ở đâu? Cô Đỗ Sót đấy à? – Ong nói. – Các bạn cô bây giờ đang nằm dưới lớp đất ấm áp và đợi ngày lên mầm. Tôi đi qua vẫn nghe thấy tiếng các cô ấy rì rào nhắc đến cô. Các cô ấy thương cô lắm, nhưng chưa biết làm thế nào để mang cô ra chỗ các cô ấy được. Nghe nói các bạn vẫn nhớ đến mình, Đỗ Sót ở lại một mình, buồn quá, khóc lên nức nở. Bỗng có tiếng vo ve từ ngoài miệng hũ. Một bóng đen hôi hám bay tọt vào trong hũ. Cái bóng đen ấy bò lại gần Đỗ Sót, nghiến răng kèn kẹt và nói: Mày có biết tao là ai không? Tao là mụ Mọt đây. Tao đang đói, đi tìm mồi không được. Ở nhà này chỗ nào cũng đậy kỹ cả. May quá, còn cái hũ này để ngỏ. Tao vào đây vớ được mày. Tao sẽ ăn thịt mày, nghe chưa! Đỗ Sót sợ run lên, nhưng Đỗ Sót tự nghĩ sẽ chống lại đến cùng chứ không chịu van xin mụ Mọt. Mụ Mọt bám vào vỏ Đỗ Sót, nhe răng định cắn. Nhưng Đỗ Sót không chịu, cứ lăn lộn dưới đáy hũ làm mụ Mọt mệt lừ. Vừa lúc đó, có một đàn kiến bò vào. Các chú kiến lao xao hỏi: Có cô Đỗ Sót đấy không? Có cô Đỗ Sót đấy không? Các cô đỗ đen bạn cô ngoài luống đất sau vườn nhờ chúng tôi mang cô ra vườn với các cô ấy đấy. Mụ Mọt đã rời Đỗ Sót ra, đứng một góc hũ, thở dốc. Còn Đỗ Sót cũng mệt quá, chỉ nói được thều thào: Các chú kiến đấy ư? Tôi đây, Đỗ Sót đây. Thật may mắn quá! Cảm ơn các chú. Tôi đang suýt chết vì mụ Mọt kia! Đâu, đâu? – Các chú kiến lại xôn xao. – Để chúng tôi cho mụ một trận! Nói rồi các chú xông thẳng vào. Chú cắn chân, chú leo lên cắn lưng cắn cổ mụ Mọt. Mụ Mọt hoảng quá, giãy giụa rồi vội vàng đập cánh vọt ra khỏi hũ. Cám ơn, cám ơn các chú kiến! Đỗ Sót vừa mừng vừa tủi, hỏi thăm về các bạn cô: Thế các bạn tôi ở ngoài đó bây giờ thế nào rồi? À, các cô ấy bắt đầu lên mầm rồi, đầu mỗi cô một cái mũ đen xinh đáo để! Chuyện ngoài vườn của các cô ấy thì nhiều lắm. Cô cứ ra đấy thì sẽ rõ. Giờ để chúng tôi đưa cô đi đã. Nói rồi các chú kiến xúm vào khiêng cô Đỗ Sót lên. Cô đỗ nằm trên lưng các chú kiến mà thấy không yên lòng, cô cứ phàn nàn: Thật là phiền các chú quá! Không sao đâu, cô Đỗ Sót ơi! Lúc khó khăn thì kẻ này giúp người kia, có hề gì mà phiền! Chúng tôi đi đâu cũng hàng đàn hàng lũ vui vẻ, để cô ở lại một mình sao nỡ! Các chú kiến thay nhau khiêng Đỗ Sót ra khỏi miệng hũ, rồi ra đến đầu nhà. Vừa lúc đó trời nổi cơn mưa. Các chú kiến đặt cô Đỗ Sót vào một kẽ gạch rồi dặn: Bây giờ trời mưa, chúng tôi không đi được nữa. Cô cứ ở đây, khi nào tạnh chúng tôi lại đến mang cô ra với bạn bè cô. Cô Đỗ Sót nghẹn ngào chia tay với các chú kiến. Các chú kiến đi rồi, trời mưa mỗi lúc một to, những lớp bụi đất theo nước mưa trôi vào khe gạch rồi phủ lên mình cô Đỗ Sót một lớp đất mỏng. Mấy ngày sau cô Đỗ Sót thấy trong mình xôn xao như đang lớn dậy một cái gì khác lạ. Vỏ cô bắt đầu tách ra, vươn lên một cái mầm xanh non, đầu đội một chiếc mũ đến là xinh xắn. Khi các chú kiến trở lại định đón cô Đỗ Sót đi, các chú sửng sốt reo lên: A, thế là cô đã mọc mầm rồi… Nhưng bây giờ thì cô ở lại đây vậy, cô có rễ rồi, chúng tôi không khiêng cô đi được nữa… Thôi chào cô Đỗ Sót! Chào cô Đỗ Sót… Thỉnh thoảng chúng tôi sẽ lại chơi… Nói rồi các chú kiến kéo nhau đi. Cô Đỗ Sót ở lại một mình, buồn rầu vì không còn hy vọng gì gặp được bạn bè nữa. Mấy ngày sau, một em bé đi qua hè, bỗng nhận ra Đỗ Sót, em bé reo lên: A, cây đỗ! (Bây giờ cô Đỗ Sót đã mọc thành cây rồi). Mẹ ơi! Cây đỗ. Con đánh cây đỗ này trồng ra luống sau nhà mình mẹ nhé! Rồi em lấy con dao nhỏ nhẹ nhàng xắn cả lớp đất quanh cô đỗ, mang cô ra vườn, trồng vào cuối luống đỗ. Các cô đỗ thấy cô ra đều mừng khôn xiết, ai cũng hỏi han tíu tít về những chuyện đã xảy ra với Đỗ Sót. Bây giờ Đỗ Sót đã sống ở giữa bạn bè, nhưng cô vẫn còn một chút buồn lây, các bạn cô đã ra hoa, còn cô mới lưa thưa vài cái lá. Nhưng rồi, tuy lớn muộn hơn, cuối cùng cô cũng ra hoa và kết quả. Cô vui sướng, các bạn nhà đỗ thấy vậy cũng lại vui như chính mình được ra hoa kết quả lần nữa. Cô Đỗ Sót đáng lẽ cô là một niềm vui muộn mằn, một niềm vui cuối cùng còn sót lại, thì bây giờ, sắc lá màu hoa của cô lại là mở đầu của một niềm vui mới…

Mùa xuân trên cánh đồng

Mùa xuân đã về trên cánh đồng. Bên kia đồi, tiếp với đồng, là rừng cây. Hoa cánh kiến nở vàng trên rừng, hoa sở và hoa kim anh trắng xoá. Những bầy ong từ rừng bay xuống đồng, như những đám mây mỏng lấp lánh. Trên đồng, cỏ ống cao lêu đêu đong đưa trước gió. Cỏ gà, cỏ mật, cỏ tương tư xanh nõn. Ban mai nắng dịu, chim hót líu lo. Gió ngào ngạt mùi thơm của mật và phấn hoa. Mùa xuân, ngày nào cũng là ngày hội. Muôn loài vật trên đồng lũ lượt kéo nhau đi. Những anh chuồn ớt đỏ thắm như ngọn lửa. Những cô chuồn chuồn kim nhịn ăn để thân hình mảnh dẻ, mắt to, mình nhỏ xíu, thướt tha bay lượn. Các anh sáo đã kêu rối rít, vút lên cao rồi sà xuống thấp. Các chú bọ ngựa vung gươm tập múa võ trên những chiếc lá to. Các ả cánh cam diêm dúa, các chị cào cào xoè áo lụa đỏm dáng. Đạo mạo như bác dang, bác dẽ cũng vui vẻ dạo chơi trên bờ đầm. Các anh sếu giang hồ, từ phương nào bay qua, thấy đồng cỏ xanh cũng ghé lại đôi ngày. Dưới nước, cá rô con, cá mài mại tung tăng, bầy đuôi cờ kéo đi như một đám rước. Ai cũng vui. Nhút nhát như anh cuốc, cũng mon men ra xem các cô sên thi múa. Lầm lì như anh châu chấu ma, cũng ngồi uống rượu với mấy bác cà cuống…Vậy mà sẻ đồng lại buồn. Chỉ riêng có sẻ đồng là buồn. Se đồng chẳng đi đâu, cứ ngồi lì trong tổ, cạnh bụi lạc tiên và khóm mẫu đơn, không chơi với ai, không nói chuyện với ai, chẳng buồn nhìn trời, nhìn hoa nở. Mà sẻ đồng lại khóc nữa. Nước mắt rơi xuống lã chã, ướt đẫm cả một bông mẫu đơn. Dế mèn trông thấy trước tiên, hốt hoảng đi gọi xiến tóc:– Anh xiến tóc ơi, ai cũng vui, ai cũng đi chơi, riêng sẻ đồng buồn thiu ngồi khóc, không đi đâu, không chơi với ai.Xiến tóc lật đật bay ra, gọi thêm nhái bén, chẫu chàng, hoạ mi, lại rủ cả các chị ong vàng:– Ta lại chỗ sẻ đồng đi! Sớm mùa xuân, ai cũng vui, ai cũng đi chơi, riêng sẻ đồng buồn thiu ngồi khóc…Các chị ong vàng ngừng múa hát, bay theo. Dọc đường, có thêm cà cộ, cào cào, sáo sậu, cả cà cuống đang ngồi uống rượu, cả châu chấu ma cũng tất tả nhập bọn. Ngang qua chỗ cánh cam, dế mèn rủ:– Cánh cam ơi, sớm mùa xuân, ai cũng vui, ai cũng đi chơi, riêng sẻ đồng buồn thiu ngồi khóc, ta lại chỗ sẻ đồng đi!Nhưng cánh cam ngúng nguẩy đáp:– Tôi vừa may xong áo đẹp, còn phải đi chơi với bướm vàng. Tất cả vui chơi, mỗi một sẻ đồng buồn thì có sao đâu?Dế mèn bảo:– Tất cả vui mà có một bạn buồn, cũng không là vui. Chúng mình phải tìm xem tại sao sẻ đồng một mình ngồi khóc?– Chịu thôi! – Cánh cam vẫn lắc đầu. – Nắng lên cao rồi, chúng tôi còn phải đi, kẻo bướm vàng đợi.Xiến tóc bảo cả bọn:– Cánh cam nhẹ dạ, chỉ biết vui riêng mình, mặc cô ấy, chúng ta đi thôi.Nghe tin, bọ muỗm, bọ ngựa, chuồn ớt, chuồn kim kéo tới. Có cả một anh sếu giang hồ cũng xin nhập bọn đi an ủi sẻ đồng. Sếu ở phương xa tới, nói tiếng nước ngoài, không hiểu tiếng các loài vật trên đồng, phải nhờ chim bách thanh làm phiên dịch. Cả bọn tìm tới bụi lạc tiên. Sẻ đồng vẫn ngồi đấy, nước mắt đã ướt đẫm hai bông mẫu đơn.Dế mèn rón rén đến bên cạnh sẻ đồng, dịu dàng hỏi:– Sẻ đồng ơi, ai cũng đi chơi, ai cũng có bạn, sao sẻ đồng ngồi một mình và buồn thế?– Tôi không muốn chơi với ai cả. Từ nay tôi sẽ không chơi với ai nữa, tôi sẽ sống một mình! – Sẻ đồng hờn dỗi đáp.– Sống một mình sao được? – Ong vàng vội vã hỏi. – Ai sẽ đi chơi với bạn, ai sẽ kể cho bạn những chuyện của rừng cao, của đầm xa? Bạn sẽ hót cho ai nghe?– Tôi không hót cho ai nữa! – Sẻ đồng cúi đầu xuống, nước mắt lại giàn giụa trào ra. – Các bạn cứ đi chơi đi, kệ tôi!Tất cả lo lắng nhìn nhau, Sếu nói ì ọp mấy tiếng nước ngoài, tỏ ý kinh ngạc. Hoạ mi bắt đầu rơm rớm nước mắt, Xiến tóc tới trước mặt sẻ đồng, điềm đạm hỏi:– Tuỳ bạn, nhưng trước khi chúng tôi đi, bạn phải kể chúng tôi nghe: tại sao bạn buồn và không muốn chơi với mọi người?– Kể đi! Sẻ đồng kể đi! – Tất cả nói.Sẻ đồng nhìn các bạn, sụt sùi rồi kể:– Tôi không muốn gặp ai nữa, bởi có người cho tôi là xấu bụng, gọi tôi là đồ lừa dối bạn.– Ai?– Ong đất.– Cô ong đất nhà ở dưới cây hoa bánh khúc ấy ư?– Vâng, tôi chơi với ong đất chưa lâu, nhưng tôi rất quý ong đất, vì ong đất sớm mồ côi cha mẹ, ít nói, thẳng tính mà chăm làm. Mùa xuân tới, tôi muốn tìm cho ong đất một món quà nhỏ. Hôm qua, bay ngang đám cỏ phía đông, cạnh gốc dẻ gai, tôi thấy một khóm cúc dại nhỏ xíu nhưng đã có ba nụ hoa trắng muốt. Cánh đồng ta, hiếm có hoa cúc trắng ấy. Tôi nhặt bốn hòn sỏi xanh đặt quanh khóm cúc để đánh dấu. Tôi biết sớm nay khóm cúc sẽ nở mấy bông hoa tuyệt đẹp. Khi mặt trời mọc, tôi tìm tới bảo ong đất: “Ong đất này, ong đất hãy bay tới đám cỏ phía đông dưới gốc dẻ gai, cạnh bốn hòn sỏi xanh, ong đất sẽ thấy một món quà sẻ đồng tìm ra và tặng riêng ong đất”. Tôi hồi hộp đợi ong đất trở về. Thế mà một lúc sau, ong đất hầm hầm trở lại, giận dữ mắng tôi: “Anh bày trò gạt tôi, anh là kẻ xấu bụng, đồ dối trá!”. Rồi ong đất vù vù bay đi…Sẻ đồng nói tới đây lại nức nở, cánh và mỏ run lên.– Vô lý! – Dế mèn kêu lên. – Không bao giờ ong đất cư xử như thế! Nhất định khi sẻ đồng đã quý mến tặng quà ong đất như vậy.– Nhưng thực sự là như thế đấy! – Sẻ đồng buồn bã nói.– Chắc có điều gì khúc mắc trong chuyện này. Sẻ đồng cứ bình tĩnh, chúng tôi tới gặp ong đất đây!Đám đông tới gặp ong đất. Ong đất đang xem mấy anh bọ ngựa đấu võ. Dế mèn bộp chộp nói ngay:– Tại sao bạn lại làm sẻ đồng buồn? Sẻ đồng đã tìm tặng bạn một món quà đẹp như thế, tại sao bạn lại mắng sẻ đồng?– Sẻ đồng làm tôi mắc lừa. – Ong đất nói, giọng vẫn còn tức giận. – Tôi ra đám cỏ phía đông, chẳng thấy gì cả, chỉ có một dòng suối chảy ngang. Sẻ đồng giễu cợt tôi. Không tin, các bạn hãy đến xem.Cả bọn tìm đến đám cỏ phía đông. Quả thật dưới cây dẻ gai chỉ có một dòng suối. Dòng suối mát rượi của mùa xuân chảy róc rách giữa cỏ lau và hoa dành dành. Nước trong nhưng sâu và chảy xiết. May quá, có ếch xanh – đấu thủ bơi lội – đang tập bơi dưới nước. Xiến tóc gọi:– Ếch xanh, bạn mới tới hay bơi ở đây đã lâu rồi?– Mới bơi từ sáng. Bơi từ sáng nay, ở đây mới có dòng suối này. Hôm qua, đây mới chỉ là cái khe cỏ. Dòng suối này từ núi chảy ra. Mùa xuân, những mạch nước ngầm trong núi, trong rừng bỗng trèo lên mặt đất, tụ thành suối, chảy về cánh đồng của chúng ta.Tất cả xôn xao bàn tán. Xiến tóc lại hỏi:– Thế anh có thấy ở đây, trước khi nước ngập, có bụi cúc trắng nào không?– Để tôi xem!Ếch xanh nói rồi lặn xuống nước. Ếch lặn rất lâu. Tất cả hồi hộp đợi. Khi ếch nhô lên, mọi người ồ lên một tiếng: ếch xanh ngậm một khóm cúc với mấy bông hoa ướt sũng nhưng hãy còn tươi nguyên và trắng muốt.– Mang hoa lại cho ong đất. Mang hoa lại cho ong đất! Rủ ong tới chỗ sẻ đồng!Mọi người tíu tít reo lên. Bách thanh phiên dịch lại cho sếu. Cả bọn quay về chỗ ong đất. Ếch đi ở giữa, giơ cao khóm hoa cúc trắng muốt dưới nắng mai.*Đấy là câu chuyện trên cánh đồng sớm mùa xuân. Bây giờ, không còn ai buồn và lẻ loi một mình nữa. Chim hót líu lo trên cỏ mới. Gió ngào ngạt mùi mật và hoa. Dưới nước, trên bờ, ai nấy mới yên tâm đi dự hội. Bởi vì, tất cả vui mà có một người buồn, thì cũng không thể gọi là niềm vui thực sự được.

Ông nội và ông ngoại

Từ bé đến giờ Minh chỉ biết có ông nội, chưa bao giờ Minh gặp ông ngoại cả. Ông ngoại ở xa lắm, đâu như tận Sài Gòn kia. “Nội là trong, ngoại là ngoài” – Có lần bà Viện hàng xóm giảng giải cho Minh như thế. – Ông nội đẻ ra bố, còn ông ngoại đẻ ra mẹ. Bố bao giờ cũng gần hơn mẹ, bởi thế ông nội gần hơn ông ngoại. Bà Viện nói thế có vẻ đúng. Ông ngoại thì ở xa tít tắp, mà nếu có ở gần thì chắc ông ngoại cũng không yêu Minh bằng ông nội. Ông nội lúc nào cũng gần gũi Minh. Những buổi tối ngồi uống trà, ông ôm Minh trên lòng và kể cho Minh nghe bao nhiêu là chuyện. Ông hay kể về thành phố Hà Nội trước kia, Hà Nội khi ông còn là “anh vệ quốc” trong trung đoàn Thủ đô khác Hà Nội bây giờ nhiều. Ông yêu thành phố Hà Nội lắm, ông bảo “ở trong nhà lâu lại nhớ phố”, bởi vậy ông rất thích đi chơi chỗ này chỗ kia trong thành phố, thường là ông dẫn Minh đi theo. Ông kể cho Minh nghe những chuyện xảy ra trong các phố và nhắc lại những tên phố cũ ngày xưa. Không chỉ đi chơi suông đâu, mỗi lần đi chơi ông đều cho Minh ăn kem. Cái món kem dừa ở Bờ Hồ là Minh rất thích, vừa thơm vừa mát lạnh. Ông nội bảo khi Minh còn bé hơn nữa, lúc ba tuổi ấy, Minh ăn kem thấy khói, tưởng kem nóng nên cứ ra công mà thổi. Nghĩ lại buồn cười. Cứ mỗi lần đi công tác về, ông lại mua cho Minh bao nhiêu thứ: kẹo, bánh, đồ chơi, có khi ông còn nhặt cho Minh cả những vỏ ốc biển nữa. Vừa nhận những món quà ông cho, Minh vừa hỏi chuyện ông dồn dập: Biển có xa không ông? Xa lắm. Có rộng không ông? Rộng lắm. Thế có bơi qua được không? Không, biển chỉ thấy có một bờ thôi, bờ bên kia không trông thấy đâu cả. Thôi Minh, – bố Minh đưa mắt nhìn Minh và mắng. – Con để cho ông nghỉ ngơi đã nào! – Rồi bố quay ra nói với ông: – Ông mặc nó, ông cứ nghỉ đi cho khoẻ, ông chiều nó quá rồi nó hư ra đấy.

Người cô của bé Hương

Đấy là người cô mà bé Hương chợt nhớ tới trong một buổi ra chơi, chuyện trò với các bạn. Chả là bạn nào cũng khoe rằng có liên quan với một người tài giỏi nhất trên đời. Tớ có một người anh lái máy bay, anh ấy rất giỏi. – Bạn Tâm khoe. – Anh ấy bay cao lắm và biết hết được trên trời có những thứ gì. Khi mưa, anh ấy ở trên cơn mưa nên không bị ướt. Khi nắng, máy bay anh ấy là sát thành phố, có thể thấy rõ cả cái nhà anh ở và trông rõ cả tớ nữa. Anh ấy mỉm cười vẫy tớ, có khi còn ném cả thư cho tớ nữa. Thế trong thư, anh cậu viết những gì? – Bạn Loan hỏi. Trong thư anh ấy bảo: “Tâm ơi, anh trông thấy em rồi đấy. Em đang xách chai nước đi đổ dế kìa. Em đang vẫy anh phải không?” Sao? Thế thư đâu? Tớ bỏ quên ở nhà rồi. Thế thì bọn tớ chẳng tin đâu. – Tất cả đều cười làm Tâm ức quá phát khóc lên được. Còn tớ, tớ có một người chú lái tàu thuỷ kia. Chú ấy thường kể cho tớ nghe bao nhiêu chuyện ly kỳ tận dưới đáy biển, lại còn mang cả quà về cho tớ nữa, rất nhiều vỏ ốc đẹp, những cây san hô màu đỏ, màu trắng nhé, lạ lắm! Loan lấy trong cặp ra một chiếc vỏ ốc màu hồng, đưa cho các bạn xem, ai cũng khen là đẹp. Loan lại còn bảo: “Ghé tai vào chiếc vỏ ốc là nghe thấy biển nó nói chuyện với mình. Biết bao nhiêu chuyện kỳ lạ còn hay hơn chuyện mà chú tớ đã kể cho tớ nghe”. Các bạn tranh nhau áp sát tai vào vỏ ốc nhưng chẳng nghe thấy gì ngoài tiếng u… u nhè nhẹ. Riêng Hương thì Hương lại nghe thấy cái vỏ ốc nó nói: “Cô Thu u… u… Cô Thu u… u…”. Mặt Hương bỗng sáng lên rạng rỡ: Tớ nghe thấy rồi đấy, biển nó đang nói chuyện với tớ đấy. Nó nói gì? Nói gì?… – Bao nhiêu con mắt tò mò chăm chú nhìn vào Hương. Nó gọi: “Cô Thu… cô Thu” Cô Thu là ai thế? Cô Thu là cô của tớ, cô ấy làm y tá ở một bệnh viện ngoài Hà Nội. Cô ấy giỏi lắm! Giỏi hơn cả anh của bạn Tâm và chú của bạn Loan kia. Sao, ai bảo ấy thế? – Loan bĩu môi. Bố tớ. Bố tớ thường nói chuyện với các chú bạn bố tớ là “người mà hiểu được mọi người là người giỏi nhất”. Thế mà cô tớ thì lại rất hiểu mọi người, nhất là những người ốm. Người ốm không cần nói gì mà cô tớ cũng hiểu được người ấy đau ở chỗ nào, cần những cái gì, mẹ tớ bảo thế. Thế cô ấy có hay viết thư cho ấy không? Không. Chắc là cô tớ bận. Với lại tớ cũng chưa viết thư cho cô tớ bao giờ. Thế mà tớ không nghĩ ra. Từ mai trở đi, tớ phải luôn viết thư cho cô tớ mới được. Và từ sau hôm đó, Hương bắt đầu viết thư cho cô Thu. Một việc thật là mới mẻ và thích thú. Hương không còn thấy buồn chán và sợ hãi mỗi khi bố mẹ đi vắng cả, nhốt Hương ở nhà một mình với con mèo con. Mọi khi thì Hương nói chuyện với con mèo. Nhưng nói mãi cũng chán! Vì nó chẳng biết nói chuyện lại với Hương mà chỉ biết meo meo thôi. Bây giờ thì Hương đã có người để mà trò chuyện rồi. Hương viết thư cho cô Thu, nhất định cô Thu cũng sẽ viết thư cho Hương. Cô Thu sẽ hiểu Hương. Hương sẽ kể cho cô Thu những chuyện Hương bị oan ức, ví dụ như chuyện: “Hôm nọ Hương lấy nước hoa rửa mặt cho búp bê, tự nhiên má hồng của búp bê bị thôi ra nhem nhuốc. Thế là mẹ mắng Hương là “đồ phá hoại”. Hương có cố tình phá hoại đâu, Hương chỉ muốn cho em bé vừa sạch vừa thơm thôi. Chẳng may nó thế!” Bây giờ thì phải viết một lá thư cho cô Thu kể về chuyện các bạn ở lớp Hương đã. * THƯ THỨ NHẤT: Cô Thu ơi, bạn Tâm lớp cháu nói rằng bạn ấy có một người anh lái máy bay. Còn bạn Loan lại khoe chú bạn ấy lái tàu thuỷ. Các bạn ấy nhất định cho rằng anh và chú các bạn ấy là những người giỏi nhất vì biết được bao nhiêu chuyện trên trời dưới biển. Cháu thì cháu lại nghĩ rằng cô còn giỏi hơn vì cô biết được hết những ý nghĩ của người ốm và chắc là cả ý nghĩ của người không ốm nữa cô nhỉ. Ý nghĩ tức là những điều không nói ra (bố cháu bảo thế), mà những điều không nói ra thì chẳng có hình thù gì nên mới khó chứ. Đằng này những thứ trên trời như mây, nắng, gió, mưa… những thứ dưới biển như cua, cá , san hô… thì đều có thể nhìn thấy được. Với lại phi công hay thuyền trưởng thì thế nào chẳng có lúc ốm. Khi ốm lại phải nhờ những người y tá như cô chữa cho. Thế thì cô chẳng giỏi hơn họ là gì. Chắc ở chỗ cô cũng có những phi công hay thuyền trưởng bị ốm. THƯ THỨ HAI: Cô Thu ơi, cháu chưa gặp cô bao giờ, thế mà cháu lại nhớ cô ghê cơ! Nhất là cái hôm mẹ cháu nhổ răng cho cháu, cháu đau đau là. Lúc bấy giờ cháu cứ nghĩ: “Nếu cô Thu mà nhổ thì chắc cháu không đau đâu”. Mẹ cháu nhổ răng cho cháu xong rồi mẹ cháu ném cái răng lên nóc nhà. Mẹ cháu bảo răng hàm dưới thì ném lên nóc nhà còn răng hàm trên thì vứt xuống gầm giường, làm như vậy cái răng thay sau mọc sẽ chóng hơn. Có đúng không cô? THƯ THỨ BA: Cô Thu ạ, con mèo của cháu nó chẳng biết nói chuyện gì cả mà chỉ biết kêu meo meo thôi. Nó dại lắm, hôm qua nó đùa với cái vỏ chai bia, thế là cái vỏ bia đè lên người nó, nó kêu tướng lên. Cháu phải cứu nó đấy. THƯ THỨ TƯ: Hôm nay cháu tức lắm cô ạ, con Duyên học cùng lớp cháu ấy nó đổi mất cái ngòi bút mới của cháu. Có hôm nó còn nhổ nước bọt vào chỗ ghế cháu ngồi. Nó ghê lắm! Cháu bỏ nó rồi. THƯ THỨ NĂM: Cô Thu ơi, cháu và bạn Duyên hết bỏ nhau rồi. Cô có biết tại sao chúng cháu lại chơi với nhau không? Hôm nay mẹ cháu cùng cháu sang nhà bạn Duyên chơi. Trong lúc mẹ cháu nói các thứ chuyện với mẹ bạn Duyên thì tự nhiên cháu và bạn Duyên cùng sờ tay vào một tờ giấy. Bạn ấy vò tờ giấy và bảo “tờ giấy nó kêu này”, cháu bảo “ừ nhỉ”, thế là hai đứa lại chơi với nhau. Bây giờ bạn ấy ngoan rồi. Bạn ấy cho cháu mượn đồ chơi, còn cháu thì cho bạn ấy hạt dưa. THƯ THỨ SÁU: Ối giời ơi, cô Thu có biết không? Hôm nay cháu suýt chết. Buổi sáng, cháu ở nhà một mình, đang chán quá, cháu nghe thấy tiếng cười đùa của bọn trẻ con hàng xóm nhà cháu. Cháu nghển cổ nhìn qua cửa kính và nhe răng cười với chúng nó. Thế là một thằng trong bọn nó ném đánh choang một cái vào mặt cháu, may mà còn có lớp kính, nên chỉ vỡ kính cửa thôi. Sao nó ác thế hở cô? Cháu có làm gì nó đâu? Ác có phải là một bệnh không? Và có thể chữa cho khỏi ác được không cô? Bây giờ thì mẹ cháu đã lấy được miếng gỗ che tất cả kính cửa sổ lại. Thế là nó chẳng ném được cháu và cháu cũng chẳng nhìn ra ngoài được nữa. THƯ THỨ BẢY: Hôm nay mẹ cháu đọc hết cả những thư cháu viết cho cô, vì cháu để trong ngăn kéo bàn mà cháu chưa kịp gửi. Vả lại cháu chưa hỏi mẹ cháu địa chỉ của cô. Mẹ cháu cứ bảo là cháu chỉ viết những chuyện vớ vẩn, làm phiền cô thôi. Mà cô thì còn bận nhiều việc. Sao mẹ cháu lại nói thế nhỉ? Cháu toàn viết những chuyện thật cả chứ có chuyện nào vớ vẩn đâu. Chắc cô chẳng nghĩ như mẹ cháu. Cô còn hiểu cả những điều người ta không nói ra cơ mà. Vậy cô sẽ hiểu cháu. THƯ THỨ TÁM: Cô ơi, cô viết thư cho cháu đi và cho cháu cả một cái ảnh của cô nữa nhé. Cháu cứ nghĩ là cô hay mặc áo màu hồng. Cô tươi cười, cô biết nhiều chuyện để kể cho người ốm nghe. Cô lại biết tiêm không đau nữa, phải không cô? Bây giờ trong ngăn kéo của Hương có tới trên dưới mười lá thư Hương viết cho cô Thu. Thư không có địa chỉ, ngày tháng và chẳng bao giờ gửi đi đâu. Đúng là bé Hương có người cô tên là Thu, làm y tá ở Hà Nội thật. Cô không hoàn toàn giống như Hương tưởng tượng. Cô làm ở bệnh viện nhi, năm nay cô 28 tuổi. Cô hay mặc áo kẻ hay áo màu sẫm chứ không mặc áo hồng như Hương nghĩ. Vì cô đang có con nhỏ, mặc như vậy cho đỡ bẩn. Cô là một y tá chăm chỉ, biết làm tròn bổn phận. Những tối không trực ở bệnh viện, cô xin được chân giữ trật tự ở nhà hát thành phố để kiếm thêm tiền nuôi con nhỏ. Làm ở nhà hát, ngoài việc xé vé, đưa khán giả vào đúng chỗ ngồi thì cô không để ý đến gì hết. Cô ít khi quan tâm đến buổi diễn. Thường thì vào quãng chín giờ, giờ nghỉ giải lao của buổi diễn là cô Thu về nhà. Khi đó cô đã xong nhiệm vụ. Cuộc sống của cô Thu cứ từ nhà đến bệnh viện, đến nhà hát rồi lại về nhà, đều đặn như vậy. Không vui cũng không buồn. Hôm nay bỗng cô Thu nhận được một phong bì dày cộp, trong đó có những lá thư của bé Hương do mẹ Hương ghi địa chỉ và gửi cho cô. Đọc thư, cô rất vui và cảm động. Cô không ngờ cái con bé Hương, khi theo bố mẹ vào Sài Gòn mới có hai tuổi, bé tí xíu, chẳng biết gì, thế mà bây giờ đã viết thư cho cô, nhớ đến cô, nghĩ cho cô bao nhiêu điều tốt đẹp. Ôi, những nét chữ to tướng không đều hàng ấy mang tới cho cô bao nhiêu là niềm vui. A, ra lâu rồi mải bận công việc, cô chẳng để ý là mình vui không. Hôm nay cô vui, cô mới biết là mọi khi mình chưa vui. Nhưng cô, cô chỉ là một người bình thường với bao nhiêu điều thiếu sót. Cô chưa được như điều bé Hương vẫn nghĩ. Từ nay trong công việc làm của cô, trong cuộc sống hàng ngày của cô đều có đôi mắt đen tròn của bé Hương theo dõi cô. Đôi mắt ấy có gì giống như những đôi mắt của những bệnh nhân bé bỏng của cô cầu cứu cô trong những lúc khát, lúc đau. Từ đó cô cảm thấy ở nơi nào cũng có điều gì đợi chờ cô. Điều gì đấy thì cô không biết nhưng cô chỉ cảm thấy trong đó mang theo cả niềm vui và sự khám phá. Khi ở bệnh viện, cô cảm thấy được cái đau và cái vui của những bệnh nhân bé nhỏ. Nghe tiếng thở, cô biết được các em thức hay ngủ. Nhìn vào đôi mắt, cô biết được các em muốn gì. Ở nhà hát, cô chăm chú theo dõi từ đầu đến cuối những buổi diễn hay. Cô tìm đọc nhiều truyện để kể cho những người ốm bé bỏng của cô vượt qua những cơn đau. Nhìn làn môi héo hắt mỉm cười, đôi mắt mệt nhọc ló ra dưới lần chăn trắng nhìn cô đầy lòng biết ơn và yêu mến, cô cảm thấy cô được trả lại niềm vui còn lớn hơn niềm vui cô mang đến cho các bạn nhỏ ốm đau kia. Sau những buổi trực đêm trở về, lòng cô trong suốt, nhẹ nhõm. Cô cảm thấy cô nghe được cả tiếng gió hát, lá thở trên các vòm cây. Ôi tuổi thơ thật là kỳ diệu! Những em bé xanh xao nằm trên giường bệnh kia cũng đủ sức mạnh truyền lại niềm vui cho cô. Và con bé Hương bé tí xíu mà lại ở xa xôi thế cũng biết quả quyết tin vào điều tốt đẹp, để rồi điều tốt đẹp ấy trở thành sự thật. Tới kỳ nghỉ phép năm nay, nhất định cô Thu sẽ đi Sài Gòn để thăm anh chị và bé Hương của cô. Bấy giờ cô có thể gặp mặt bé Hương mà không xấu hổ. Cô sẽ mặc chiếc áo màu hồng như Hương vẫn tưởng tượng. Nghĩ vậy, cô Thu liền viết cho Hương một lá thư kể công việc của cô cho Hương nghe và hứa sẽ vào thăm Hương trong kỳ nghỉ phép tới. Cô không quên bỏ vào phong thư một tấm hình đẹp nhất của cô.

Bà tôi

Bữa ăn bà thường ngồi đầu nồi, lấy đũa cả đánh tơi cơm ra rồi xới. Bà xới cho bà bát cơm trên, sau mới xới cho cả nhà và cho tôi. Khi ăn, bao giờ bà cũng ăn sau. Mùa hè bà bảo là phải quạt một chút cho mát, mùa rét thì bà bảo bà phải nghỉ một tí cho đỡ mệt rồi bà mới ăn. Bà ăn rất ít, thường thì chỉ hai lưng, một lưng cơm, một miếng cháy. Trong lúc ăn, bà hay để ý đến tôi, nếu tôi có vẻ thích ăn món gì thì bà lại ít ăn món ấy. Có khi bà cần chan một ít nước dưa hoặc ăn với một vài quả cà pháo là xong bữa. Lại còn chỗ nằm của bà thì rất đơn giản: một miếng ván hay một cái chõng nhỏ cũng đủ để bà ngủ ngon (mặc dù bà rất tỉnh ngủ). Suốt những năm thơ ấu, tôi thường ngủ cạnh bà. Tôi còn nhớ là bà nằm rất ít chỗ, có khi bà chỉ nằm nghiêng suốt đêm bên lề cái phản hẹp, còn tôi thì vùng vẫy xoay xở gần hết cả phản. Khi ấy tôi cũng không hiểu là do bà tôi bé nhỏ hay là bà quen nằm hẹp như vậy. Bố mẹ tôi đi làm cả ngày, chỉ có bữa ăn, sáng sớm và chiều tối là đầy đủ cả gia đình. Trong bữa ăn, mẹ tôi thường trao đổi với bà về giá cả chợ búa, còn bố tôi thì thỉnh thoảng kể chuyện về cơ quan của bố tôi v.v… Hàng ngày chỉ có tôi và bà tôi là ở gần nhau và hay chuyện trò với nhau nhiều nhất. Tôi đi học một buổi, về lại quanh quẩn nhặt rau, lấy muối giúp bà, xâu kim cho bà vá quần áo. Khi ngồi khâu, bà hay kể cho tôi nghe bao nhiêu là truyện: Truyện Kiều, truyện Nhị Độ Mai… những truyện vần, bà thường thuộc từ đầu đến cuối. Có lúc bà lại kể chuyện về bố tôi, hồi bố tôi còn bé hay đau ốm như thế nào, bà đã phải nuôi bố tôi vất vả như thế nào v.v… Bà kể đi kể lại những chuyện như vậy làm tôi cũng thuộc làu đến nỗi nếu như bà kể câu trước là tôi có thể tiếp câu sau được. Mấy lần bố tôi bắt gặp bà đang kể chuyện cho tôi nghe, bố tôi nhăn nhó gắt bà: “Bà chỉ lẩm cẩm”. Bà tôi mỉm cười và thôi không nói nữa. Có hôm tôi nghe thấy bố tôi phàn nàn với mẹ tôi là: “Bà độ này lẩm cẩm quá, nói nhiều mà lại hay quên!”. Mẹ tôi công nhận: “Đúng đấy, ai lại hôm nọ bà vừa rửa bát mà quên không khoá máy nước! Ở nhà tập thể, chung đụng với nhau, người ta nói cho rát cả mặt!” Gia đình tôi ngày càng thêm va chạm giữa bố mẹ tôi với bà tôi. Đầu tiên là những chuyện vặt rồi qua đi, rồi lặp lại. Mỗi lần lặp lại thì chuyện càng to và càng nặng nề hơn. Đấy là một lần bà đi chợ, bị mất cắp cái phiếu thực phẩm. Mẹ tôi nói bâng quơ: Thế là tháng này nhịn! Nước mắm chẳng có, thịt cá cũng chẳng có! Lấy tiền đâu ra mà mua thực phẩm chợ đen! Tôi đâu muốn thế, – bà tôi nói một cách ăn năn – chẳng may thôi. Thực ra tôi cũng đã đề phòng kẻ cắp rồi, tôi vẫn giữ khư khư lấy cái túi áo để tem phiếu, ai biết đâu lúc đưa tay ra trả tiền hàng rau thì nó rút mất. Phòng kẻ ngay chứ phòng thế nào được kẻ gian. Đề phòng gì! – Bố tôi day diết. – Bà thì cần giữ gìn gì cho gia đình. Bà có làm ra tiền đâu mà bà biết xót. Nghe vậy, bà tôi tái mặt đi rồi bỗng nổi cáu lên đùng đùng: A, ra là bây giờ anh cậy làm ra tiền nên anh có quyền mắng tôi! Phải, bây giờ tôi già rồi, tôi không làm được ra tiền nữa nên anh khinh tôi. Anh có biết đâu ngày xưa tôi đã ở vậy nuôi dạy anh nên người. Biết bao nhiêu là khó nhọc. Ai đẻ con ra mà chả phải nuôi. – Bố tôi cãi. Trời cao đất dày ơi, – bà tôi khóc, – tôi không ngờ anh lại bạc như thế. Có con như thế này còn khổ tâm hơn là không có con! Thôi, từ nay anh hãy coi như anh không có mẹ. Để tôi đi đằng nào tôi đi… Tôi nhìn bà, nhìn bố mẹ, lòng thấy sợ hãi khổ sở mà không biết làm thế nào. Tôi khóc oà lên. Cả nhà im dần. Bà ôm tôi vào lòng, lau nước mắt cho tôi, nước mắt bà lại càng ròng ròng. Tối hôm ấy bà trằn trọc không ngủ, tôi biết hết nhưng cứ nằm yên giả vờ ngủ. Rồi bà dậy xếp dọn đồ đạc của bà: vài bộ quần áo, một cái khăn len đã cũ mà thỉnh thoảng bà mới chít, một hộp đồ khâu (trong đó có ba cái kim, hai cuộn chỉ và nhiều vụn vá các màu), hai cái lược – một lược thưa, một lược bí. Bà xếp tất cả những thứ đó vào trong một cái túi du lịch đã cũ. Nhìn những đồ đạc ít ỏi và tầm thường của bà, tôi cứ tấm tức khóc thầm. Tôi nghẹn ngào bật dậy nói: Bà ơi, bà thu xếp đồ đạc để làm gì thế bà? À, bà về Vĩnh Tuy chơi vài hôm con ạ. Bà về nhà bà Hai Tuất, em gái bà ấy. Bà đừng đi đâu, đừng đi đâu, – tôi chạy lại nắm chặt cánh tay bà, – bà ở đây với cháu kia. Bà ôm tôi an ủi: Con đi ngủ đi. Bà chỉ đi vài hôm cho nó khuây khoả rồi lại về. Con đừng lo. Sáng hôm sau, bà vẫn dậy sớm nấu cơm như thường lệ. Cả nhà ngồi im lặng lẽ, chẳng ai nói với ai câu gì. Ăn xong, bố mẹ tôi đi làm, còn tôi thì đi học. Trong khi học tôi rất sốt ruột, chỉ mong chóng hết giờ để về nhà sớm, may ra còn gặp bà. Nhưng khi về tới nhà thì bà tôi đã đi rồi. Cửa phòng đã khoá. Tôi đứng trước cánh cửa im lìm mà muốn gào lên khóc. Vừa lúc đó có bác Toàn hàng xóm gọi tôi vào bảo: Bà cháu xuống Vĩnh Tuy chơi rồi, chìa khoá bà gửi bác đây này. Tôi mở khoá vào nhà, thấy trên bàn học của tôi có một quả trứng gà và hai múi bưởi, bên cạnh là một tờ giấy có ghi dòng chữ rất to và nắn nót của bà: “Bưởi và trứng gà bà phần con. Cơm bà ủ ở trong chăn và canh ở ngoài chạn”. Tôi gục mặt xuống bàn khóc nức nở, tôi cảm thấy bà tôi chẳng muốn về đây nữa. Chiều. Bố mẹ tôi về, tôi kể lại mọi chuyện rồi lại khóc. Mẹ tôi bực mình mắng tôi: Đồ dở hơi! Bà đi chơi thì việc gì mà phải khóc. Con sợ bà không muốn ở đây nữa. Bà muốn ở đâu mặc bà! – Bố tôi quát: – Câm ngay, không tao cho mấy roi vào đít bây giờ. * Từ hôm ấy bố mẹ tôi phải dậy sớm, bố xách nước còn mẹ thì nấu cơm. Khi đi làm, mẹ mang theo tem phiếu để đi chợ. Những ngày ấy bố mẹ tôi hay gắt gỏng với nhau y như mỗi người ở một “phe” ấy. Mọi khi có bà tôi ở nhà thì mình bà một “phe”, còn bố mẹ tôi ở một “phe”. Vài hôm sau khi đi, bà tôi có về thăm tôi, mang quà cho tôi rồi lại đi ngay. Bà bảo bà còn đang bận bóc lạc thuê cùng với bà Hai Tuất. Có việc làm cũng đỡ buồn, lại kiếm được tiền để sinh sống. Từ đó thỉnh thoảng bà lại lên thăm tôi và lần nào cũng mang quà cho tôi, khi thì nắm táo, khi thì mấy quả ổi hoặc chùm dâu gia v.v… Có lần bà mang về bao nhiêu là bánh bỏng xếp trong túi ni-lông, mà không hiểu sao, bà chỉ lấy ra cho tôi hai cái. Bà hỏi về học hành, về ăn uống của tôi. Bà dặn dò tôi phải để ý đến thời tiết nóng lạnh mà mặc quần áo đề phòng bị cảm. Tôi vâng dạ cho qua rồi lại mải đi chơi. Dần dần tôi cũng quen biết nếp sống trong gia đình không có bà. Thỉnh thoảng tôi cũng nhớ đến bà nhưng không còn cảm thấy khổ sở như ngày bà mới đi nữa. Một đêm trời nóng, tôi lên sân thượng chơi (những đêm trời nóng, hầu hết ở nhà tập thể này đều lên sân thượng cho mát). Tôi nghe thấy bác Thái nói nhỏ với cô Nghĩa: Này, cô có biết không, hôm nọ tôi nhìn thấy bà thằng Minh đi bán bỏng ở tàu điện đấy. Đời nào có chuyện ấy, – cô Nghĩa nói, – hay chị trông nhầm. Bà cụ ấy là đàng hoàng lắm. Con giai, con dâu đều là cán bộ cả, gia đình hoà thuận. Cụ ấy thương con quý cháu. Vả lại ông con giai duy nhất, bố thằng Minh ấy, đời nào để cho bà cụ đi bán bỏng như vậy. Cụ gần tám mươi tuổi rồi còn gì. Thì chính mắt tôi trông thấy mà lại. – Bác Thái nói quả quyết. – Tôi nhìn rất gần và lại nghe rõ cả tiếng nói của cụ nữa. Khi tàu đỗ, cụ đi dọc theo thành tàu, cầm gói bỏng giơ lên và chào mời: “Các ông, các bà ơi, mua bỏng cho tôi. Ông ơi mua hộ tôi, bà ơi mua hộ tôi đi!” Mà trông cụ hồi này tiều tuỵ thật, lưng còng thêm nhiều, tóc bạc trắng xoá và nước da thì xấu xấu là! Nhìn người già quả thực không ai lại hình dung được người ấy ngày xưa lại có nhan sắc! Thế mà ngày còn trẻ cụ là người có nhan sắc và nết na lắm đấy. Tội nghiệp! Biết đâu bây giờ lại khổ! Cũng may là hôm đó cụ không nhìn thấy tôi, vả lại tôi cũng có ý lánh mặt, sợ cụ gặp người quen, cụ tủi. Thì ra bà tôi lâu nay vẫn đi bán bỏng ngoài bến tàu. Khổ thân bà quá! Bà ơi, cháu thương bà lắm. Bà có nghe thấy tiếng cháu gọi thầm bà không? Lúc này bà làm gì, ở đâu? Sao bà không về với cháu đi bà! Ôi, tôi như nhìn thấy bà tôi đang len lỏi đi dọc các toa tàu, giơ gói bỏng lên trước mặt hành khách nài nỉ: “Ông ơi, bà ơi mua bỏng giúp tôi đi!”. Nhưng con tàu vô hình cứ mang các hành khách chạy đi, để lại bà tôi tóc bạc, lưng còng, đứng chơ vơ giữa hai vệt đường ray… Chính tôi, tôi cũng vô tình như con tàu, tôi chẳng để ý gì đến bà tôi, tôi chỉ nghĩ đến những con quay, những quả bóng của tôi thôi! Nhiều lúc bà tôi đến chơi, mới ngồi với bà được một tí, tôi đã vội bỏ đi với những trò chơi của tôi rồi! Không, không thể để thế được. Tôi đã mười hai tuổi, lớn rồi, tôi cũng có quyền bàn chuyện nghiêm chỉnh với bố mẹ tôi chứ! Nghĩ rồi, tôi chạy ào xuống nhà. Tôi thấy mẹ tôi đang rửa bát, còn bố tôi đang xách nước lên. Bố mẹ ơi, – tôi gọi giục giã, – bố mẹ vào cả đây con có chuyện này muốn nói với bố mẹ. Thằng này hôm nay lạ thật. – Bố tôi nói. – Có chuyện gì mà quan trọng vậy? Thì con cứ nói đi, – mẹ tôi nói, – mẹ vừa rửa bát vừa nghe cũng được. Không , cả mẹ nữa, mẹ vào đây con mới nói. Mẹ tôi vào, nhìn tôi lo lắng: Hay con có chuyện gì ở lớp? Không. Hay con đánh nhau với bạn nào? Không. Chuyện nhà ta kia. Bố mẹ ơi, bố mẹ có thương bà không? Sao tự nhiên con lại hỏi thế? – Bố tôi hỏi lại tôi. – Mà bà làm sao kia mà thương? Bà chẳng làm sao cả. Bà đi bán bỏng ở bến tàu ấy, người ta bảo thế. Bố mẹ có biết không? Biết, – bố tôi có vẻ lúng túng, – nhưng thế thì sao. Còn sao nữa! – Tôi nghẹn ngào: – Bà già rồi. Sao bố lại để bà như thế? Khổ thân bà! Bố có bắt bà phải thế đâu, – mẹ tôi trả lời thay cho bố, – vì bà thích thế chứ. Thích ư? Con chắc là bà chẳng thích đâu. Đời nào bà lại thích đi bán bỏng hơn ở nhà với con, với bố mẹ. Bà yêu thương bố mẹ và con lắm kia mà. Ôi, con cứ nghĩ đến những ngày nắng, ngày rét mà bà thì già thế, bà sao chịu nổi, bà ốm rồi bà chết như bà Thìn bên cạnh ấy thì sao. – Nói đến đây tôi oà lên khóc. – Ước gì bây giờ con đã lớn để con nuôi được bà! Bố mẹ tôi lặng lẽ nhìn tôi rồi lại nhìn nhau. Bố tôi đặt một bàn tay lên vai tôi rồi nói: Thôi con nín đi. Bố hiểu rồi. Con nín đi con! Tôi cảm thấy giọng bố tôi hơi run và bàn tay nóng ran của bố truyền hơi nóng sang vai tôi. Mẹ tôi cũng nghẹn ngào: Con nói đúng, bố mẹ có lỗi với bà. Con đi ngủ đi, sáng mai bố mẹ sẽ xuống Vĩnh Tuy đón bà về đây. Gia đình ta lại sum họp như trước. Tôi ngoan ngoãn nghe lời mẹ, lên giường nằm nhưng không làm sao chợp mắt được. Tôi cảm thấy phấp phỏng, vừa lo lại vừa vui. Chỉ sáng mai thôi, tôi lại được sống cùng với bà như trước. Nhưng nói dại, không hiểu sáng mai bà tôi có còn gặp được tôi không? Bà tôi vẫn thường hay nói với tôi: “Bà sống được ngày nào hay ngày ấy. Người già như ngọn đèn trước gió, không biết tắt lúc nào”.

Bến tàu trong thành phố

Sau những buổi học về, Hưng thường chỉ quanh quẩn ở nhà. Một phần vì mẹ sợ Hưng ra đường lỡ đánh bạn với đứa hư, một phần chính vì Hưng cũng ít đòi đi chơi kia. Bọn bạn chín mười tuổi, cùng lứa tuổi với Hưng, thường thích đi chơi đá bóng, đào dế ngoài công viên, có đứa thì thích đi hết gốc cây nọ đến gốc cây kia, lấy súng cao su bắn những quả bàng, quả sấu cho nó rụng xuống rồi nhặt ăn. Bao giờ bọn chúng cũng đi ba bốn đứa trở lên. Đi chơi thì phải có bạn chứ. Vậy mà Hưng chẳng có đứa bạn nào ở gần tiện rủ đi. Những đứa cùng nhà tập thể với Hưng phần nhiều là bé hoặc lớn quá không cùng chơi với Hưng được. Chỉ thỉnh thoảng Hưng theo bố mẹ đi đến chơi nhà những người quen của bố mẹ thôi. Tuy vậy Hưng cũng chẳng lấy thế làm buồn. Sau khi làm bài ở nhà, trò chơi của Hưng thường là vẽ: những chiếc xe tăng, máy bay, con ngựa, con chim được tô bằng bút chì màu xanh đỏ rực rỡ. Hưng thích nhất là vẽ tàu thuỷ, những con tàu thuỷ các màu vừa thả khói vừa lướt trên mặt nước. Hưng chưa trông thấy tàu thuỷ thật bao giờ, Hưng vẽ vậy là theo mẫu những con tàu trong phim, trong sách. Nhà Hưng ở trong phố, xa sông, Hưng chưa bao giờ ra bãi sông chơi và cũng chẳng biết rằng trong thành phố mình vẫn có một bến tàu thuỷ. Một lần cô Lạc, bạn mẹ đến chơi, thấy Hưng đang ngồi ở góc nhà hí hoáy vẽ một mình, cô nói với mẹ: Chị nên có thêm một cháu nữa cho thằng Hưng nó có anh có em, nó vui. Đông con, các cháu nó khổ ra. – Mẹ nói. – Thằng Hưng nhà tôi tuy rằng không có em, nhưng anh thì cháu cũng có rồi đấy. Anh của Hưng tên là Hà, cái người anh khác mẹ mà bố mẹ Hưng vẫn thường nhắc đến, còn Hưng thì chưa gặp bao giờ. Hưng chẳng biết lý do vì sao mẹ của Hà không cùng sống với bố Hưng nữa, chỉ có điều, Hưng không thích cái anh Hà ấy tí nào. Có lần Hưng trông thấy trong ví của bố có tấm ảnh chụp một cậu bé đang cười, mặt tròn, hai cái răng cửa to tướng mà mắt thì lại xếch. Những người mắt xếch là dữ lắm chứ chả chơi đâu. Hưng nhớ có những lần Hưng được bố dẫn đi xem tuồng: những ông tướng trong tuồng thường là mắt xếch, mặt vằn vèo đen đỏ; các ông ấy thường gầm gừ hoặc là thét lên thật dữ tợn. Cái anh Hà ấy chắc chẳng hiền đâu. Vậy mà bố mẹ có vẻ quý mến anh ấy lắm. Bố mẹ nhắc đến anh ấy luôn đã đành. Thỉnh thoảng bố mẹ còn đi thăm. Và thường mua quần áo, giày dép gửi cho Hà theo địa chỉ:Người nhận: Lê Thị Mai Số nhà… phố… Tỉnh Thái Bình (Gửi cho con Trung Hà)Mấy hôm nay nhà Hưng rộn rịp như sắp Tết. Bố mẹ Hưng bảo là chuẩn bị đón anh Hà về. Bố dọn dẹp lại đồ đạc trong nhà. Bố kê thêm một cái bàn nhỏ cạnh bàn học của Hưng, đóng thêm một cái đinh to trên tường cạnh cái đinh Hưng vẫn treo cặp. Mẹ thì giặt chăn chiếu và khâu thêm một cái gối đặt sát cái gối của Hưng ở trên giường. Chiều hôm sau, Hưng theo bố mẹ ra bến tàu thuỷ để đón anh Hà. Lần đầu tiên Hưng biết thế nào là bến tàu thuỷ: một ngôi nhà xây cao chống chếnh vừa làm nơi bán vé vừa là chỗ đợi của khách đi tàu. Một khoảng sân gạch rộng và phẳng trên mặt đê với dăm ba chiếc ghế đá kê sát hàng rào sắt, quay mặt ra sông. Không hiểu cái hàng rào ấy có ích gì, chỉ vài thanh sắt dài chạy ngang, những khe chắn trống huếch, trẻ con tha hồ chui ra chui vào hoặc trèo lên trèo xuống. Mẹ bảo bây giờ là tháng bảy, đang mùa nước cho nên nước lên mấp mé chân rào. Mặt sông đục ngầu, rộng mênh mông. Đôi khi có những chiếc tàu, thuyền chạy qua ở phía xa, trông chỉ bằng chiếc lá cây nhỏ xíu. Mẹ ngồi trên ghế đá, đăm đăm nhìn ra mặt sông, còn bố thì luôn xem đồng hồ và đứng lên ngồi xuống. Một tiếng còi tàu vọng lại, con tàu trắng đang từ xa tiến tới. “Tàu Thái Bình về rồi kia”. Bố mẹ Hưng đứng dậy đi nhanh ra phía ấy. Con tàu cứ thong thả như chẳng biết sốt ruột, gần bến rồi mà nó còn chưa chịu vào cứ vùng vằng mãi như đứa trẻ đang dỗi. Mãi rồi con tàu cũng ghé sát được vào bờ. Cái cầu tàu vừa được hạ xuống thì mọi người trên tàu đã chen lấn nhau lên. Họ làm như không lên ngay là con tàu lại chạy và mang họ đi mất ấy. Tiếng la mắng, tiếng gọi nhau í ới… Hình như trong đám đông dưới tàu có người đang gọi bố mẹ Hưng. Đấy là một người phụ nữ trạc tuổi mẹ Hưng, mặc áo sơ mi hồng, một tay xách túi du lịch, tay kia dắt một cậu bé chừng mười ba, mười bốn tuổi đang bước xuống cầu tàu. Bố Hưng vội chạy lại đỡ cái túi trên tay người đàn bà, mẹ Hưng dắt tay cậu bé ấy lại, nói với Hưng: Kia là dì Nhung, dì của anh Hà con, và đây là anh Hà, con làm quen với anh đi! Nói rồi mẹ lại quay lại phía dì Nhung hỏi han tíu tít. Qua câu chuyện giữa dì Nhung và bố mẹ, Hưng được biết: “Mẹ của anh Hà được Nhà nước cho đi học ở Liên Xô, nên mẹ anh nhờ dì Nhung đưa anh lên ở với bố mẹ Hưng”. Hưng chẳng thích tí nào. Từ nay Hưng chẳng phải là đứa được chiều chuộng, yêu quý độc nhất ở trong nhà nữa. Vả lại cái anh Hà ấy ngoài con mắt xếch ra thì nước da lại đen nhẻm, trông còn chán hơn cả trong ảnh nữa kia! Em Hưng đây hở má? – Hà rụt rè hỏi. (Hà gọi mẹ Hưng là má để phân biệt với tiếng gọi mẹ mà Hà vẫn gọi mẹ đẻ ra Hà). Ừ, các con đưa nhau đi trước đi. Hà ngượng nghịu nắm lỏng cổ tay Hưng dắt đi. Hưng rút nhẹ tay ra nhưng vẫn đi bên Hà mà không nói một tiếng nào. * Hà đã xin được vào học ở một trường phổ thông Hà Nội. Mọi việc dường như đã ổn, nhưng mẹ Hưng lo lắng nhận thấy anh em Hưng vẫn chưa hoàn toàn cởi mở với nhau. Hàng ngày, khi đi học về, ngoài giờ làm bài tập, Hà thường giúp má rửa rau, vo gạo, chạy ra đầu phố mua vài thứ lặt vặt. Còn Hưng thì nhặt rau, quét nhà, v.v… Có một hôm Hưng chạy chơi đâu về, thấy một vết mực loang trên cái tranh con tàu thuỷ để trên bàn mà Hưng vừa mới vẽ, tô màu cẩn thận. Hưng nghĩ ngay là anh Hà cố ý đánh đổ mực vào tranh. Hưng chộp lấy tờ tranh vò nhàu đi rồi oà lên khóc; Hưng khóc vì tiếc tranh thì ít, vì ức thì nhiều: Làm sao thế con? – Mẹ hỏi. Anh Hà… – Hưng vừa nói vừa nức nở. – Anh Hà đánh đổ mực ra tranh của con. Không phải đâu. – Mẹ Hưng nói. – Không phải đâu, tại con mèo đấy. Ban nãy con mèo nó làm đổ mực tung toé, anh Hà đã lau bàn và lọ mực, nhưng tranh của con thì không lau được. Không phải tại con mèo đâu, – Hưng đổ riệt cho Hà, – tại anh Hà đấy! Tại con mèo! Tại anh Hà! Hưng! – Đột nhiên mẹ quát lên, chưa bao giờ Hưng thấy mẹ giận như vậy. Rồi mặt mẹ bỗng buồn hẳn đi, mắt mẹ rơm rớm. – Hưng, tại sao con lại nghĩ ác về anh con như vậy?… Tại sao con lại như vậy? Mẹ thật là khổ tâm… Con phải xin lỗi anh con. Đến chiều, khi con mèo về ăn cơm, Hưng trông thấy chân con mèo có dính tí mực, Hưng biết là mình mình đã nghi oan cho anh Hà; nhưng vừa tự ái vừa ngượng nên Hưng vẫn lẳng lặng chẳng nói gì. Đêm hôm ấy nằm cạnh anh Hà, Hưng rất khó ngủ và hình như anh Hà cũng thế. Hưng cố gắng lấy can đảm làm lành trước: Anh nhớ nhà à? Ừ. Nhưng mẹ anh đã đi xa rồi, có ở nhà đâu mà nhớ. Vẫn nhớ chứ, anh nhớ mẹ anh những ngày còn ở nhà, anh nhớ cái nhà của anh nữa. Nhà anh có cây táo không? Không, nhà anh ở thị xã nên không có cây cối, nhưng quê ngoại anh thì có. Những ngày nghỉ, mẹ anh thường đưa anh về quê ngoại chơi. Ở đấy vườn rộng mênh mông, không chỉ có táo đâu mà còn nhiều thứ khác nữa: Cam này, chanh này, nhót, hồng xiêm này… Cứ Tết đến là cam chín vàng rực lên ấy, tha hồ mà ăn. Lại còn các thứ hoa nữa chứ: Hoa hồng, hoa ngâu, hoa nhài, hoa mẫu đơn… À, mà cái hoa súng không ở trong vườn đâu nhé, nó mọc trên mặt nước ao kia. Mà sao lại gọi là hoa súng nhỉ? Chắc là cái nụ nó giống như viên đạn. Súng khác, đạn khác chứ. Thì súng phải có đạn mới bắn được chứ. Nó liên quan đến nhau mà. Giống viên đạn thì chả đẹp. Đấy là lúc nó chưa nở thôi, nó nở ra thì chúa lắm nhé. Nó xoè ra giữa ao như cái đèn bằng thuỷ tinh màu… À mà anh phải nói thế này thì Hưng mới hiểu được: cánh của nó như những lát thạch mỏng màu hồng, màu tím, tươi sáng. Trông chỉ muốn ăn thôi… Khi nào mẹ về, anh sẽ dẫn em đến quê ngoại anh để xem cái hoa súng nhé. Thế chúng mình lại đi bằng cái tàu thuỷ trắng đã đưa anh đến đây ấy à? Ừ, đi tàu thuỷ tiện lắm. Quê ngoại anh ở bãi sông. Anh thường hay ra sông tắm, xem thuyền, buồm, tàu thuỷ qua lại… Hưng nghe tiếng nói của anh Hà xa dần, Hưng buồn ngủ rồi… Hưng thiếp đi và mơ thấy những cây cam trĩu quả, đỏ rực lên trong ngày Tết, những bông hoa súng bừng lên trong mặt ao, những con tàu và những cánh buồm bồng bềnh trôi trên dòng sông xa lắc… * Từ hôm đón anh Hà về, nhiều lần mẹ đã định cho Hưng và Hà đi chơi ngoài bến tàu, mẹ không dám để cho hai anh em ra sông mà không có người lớn đi kèm, nhưng mẹ bận đi làm. Mẹ cứ áy náy mãi. Cho tới hôm nay, mẹ phải làm liền hai ca đêm ở bệnh viện để có một ngày nghỉ, dẫn hai anh em đi. Bây giờ đã sang mùa xuân, nước sông rút xuống thấp để nhường chỗ cho những vạt ngô xanh mướt mọc trên bãi cát dài và rộng. Nếu các con đi xuống bãi ngô kia tức là đi xuống lòng sông đấy. – Mẹ nói vậy. Lòng sông mà không có nước hở mẹ? Vì bây giờ không phải mùa nước. Bao giờ đến mùa nước, nước sẽ dâng lên ngập tràn hết bãi này. Thế ao người ta lại trồng ngô ở bãi, nước ngập ngô thì sao? Người ta tính hết rồi con ạ. Đến khi thu hoạch ngô xong xuôi, nước mới lên. Nếu chúng con ở dưới kia mà nước lên tức là chúng con ở đáy nước, má nhỉ? Mẹ gật đầu cười, rồi bảo: Hai con chạy xuống bãi chơi đi, để dép đây mẹ trông cho. Hai anh em chạy ùa xuống bãi cát và cảm thấy mình là thuỷ thần đang bơi lượn dưới sông. Bụi cát mờ ảo như nước quấn quýt xung quanh. Vừa chạy vừa giả vờ ngã, vừa lăn lộn ra đến tận mép nước, tiếng cười bạt đi trong gió. Những toà lâu đài được hai đứa đắp lên bằng cát luôn bị sóng đánh tan đi. Xa quá rồi, nhìn về bờ thấy mẹ chỉ bé bằng cái bánh mì. Mẹ ơ… ơi… ơi! Má ơ… ơi… ơ ơi! Hai anh em giơ tay vẫy gọi, chắc là mẹ chẳng nghe thấy, nhưng mẹ cũng đưa nón vẫy vẫy… “Tu tu… tít”. Tiếng còi tàu vang trên những đợt sóng vỗ ào ạt. Một con tàu trắng đang nhổ neo sắp ra đi… Hưng tự nhiên cảm thấy nôn nao trong lòng. Hưng tưởng như sắp phải xa Hà. Một ngày nào đấy rồi Hà lại lên con tàu kia về lại Thái Bình để Hưng ở lại một mình với những cái tranh vắng vẻ của Hưng. Nghĩ đến chuyện cái tranh bị đổ mực, nhớ lại đôi mắt rưng rưng của mẹ, Hưng lại càng thấy thương Hà! Hưng chỉ muốn Hà ở đây mãi để Hưng sửa chữa lỗi lầm ấy, để thương Hà nhiều hơn. Bỗng tự nhiên Hưng buột ra tiếng gọi: Anh Hà ơi! Gì thế? Anh ở đây với má và em mãi nhé! Mãi thì chắc chả được đâu, nhưng anh còn ở đây lâu, năm năm kia mà. Em biết rồi! Nhưng cuối cùng anh vẫn ở xa em, anh đi rồi em chơi với ai? Chẳng lẽ em ra bãi sông một mình, em chạy một mình, em cười một mình à? Chán lắm! Hay là, khi nào mẹ anh về, anh sẽ nói với mẹ anh xin chuyển công tác lên đây. Hai đứa ở gần nhau, má sẽ cho anh với Hưng ra bãi sông luôn. Chúng mình sẽ chơi với nhau mãi. Chợt Hưng bậm môi, cúi đầu xuống rồi ngẩng lên, mếu máo: Anh Hà ơi, anh đừng giận em nhé! Giận cái gì kia? – Hà ngơ ngác. Về cái chuyện đổ lọ mực ấy. À… Mà anh có nhớ chuyện ấy đâu. Thôi chúng mình về đi, kẻo má đứng lâu một mình, má buồn… Hai anh em nắm tay nhau chạy về phía bờ. Đằng sau là con tàu trắng đang đi xa dần. Gió mùa xuân thổi phần phật trên những vạt ngô xanh mướt.
Trên đây, uct.edu.vn đã tiếp nối bài viết dành tặng bạn phần văn trong tập thơ Bầu trời trong quả trứng của nhà thơ Xuân Quỳnh. Mời các bạn đón xem phần 4 vào một ngày không xa nhé! Hy vọng các bạn sẽ hài lòng với bài viết của chúng tôi!